Fixi.vn – Trở thành một phát thanh viên đang là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ vì được xuất hiện rộng rãi trước công chúng. Bạn có nghĩ mình hợp với công việc này?
Mục Lục Bài Viết
Phát thanh viên là ai?
Đã bao giờ bạn mơ ước trở thành một phát thanh viên hay chưa? Bạn mong muốn được xuất hiện trên kênh vtv1, vtv3 đúng 7h mỗi tối để cập nhật các thông tin thời sự đến cho mọi người hay thậm chí là làm phát thanh viên cho các đài tiếng nói,…. Vậy hãy tìm hiểu các thông tin liên quan đến phát thanh viên dưới đây nhé.
Phát thanh viên là người dẫn chương trình, truyền tải những nội dung thông tin đến người nghe Đài và xem truyền hình. Công việc thể hiện chương trình của người phát thanh viên là công đoạn cuối cùng để hoàn chỉnh một tác phẩm, một chương trình tổng thể trong nhiều khâu sản xuất của các tác phẩm báo nói, báo hình. Việc một tác phẩm hay chương trình nào đó có hấp dẫn, lôi cuốn người xem, người nghe có sự góp công rất lớn của người phát thanh viên, bởi phát thanh viên là người mang đến cái hồn tạo nên sự sống động cho tác phẩm, chương trình đó.
Nghề phát thanh viên làm gì?
Hằng ngày, mặc dù làm việc theo giờ hành chính nhưng công việc của một phát thanh viên thường sớm hơn mọi bộ phận trong Đài. Người dẫn chương trình phải có mặt sớm để chuẩn bị các khâu như hóa trang, trang phục trước khi vào studio hay phim trường để ghi hình chương trình hằng ngày. Nếu là nam, công việc ấy có vẻ nhẹ nhàng, nhưng là nữ thì chuyện này có sự kỳ công hơn. Đối với chị em, để có được một khuôn hình dễ nhìn, đòi hỏi phải hóa trang thật kỹ lưỡng và tỉ mỉ trên từng bộ phận của khuôn mặt.
Trước khi làm công việc phát sóng trên đài phát thanh/ đài truyền hình, phát thanh viên cần làm những công việc như:
- Nghiên cứu các chủ đề, các thông tin thời sự được phát thanh trên truyền hình.
- Xem lại các kịch bản, chỉnh sửa, bổ sung nếu cần thiết.
- Liên lạc với các thành viên khác của đội ngũ kỹ thuật.
Trong quá trình phát sóng, các phát thanh viên có thể làm các công việc như:
- Giới thiệu và lưu trữ các chương trình
- Phỏng vấn khách mời trong studio, qua điện thoại hoặc trực tiếp trong trường quay.
- Đọc các bản tin thời sự, dự báo thời tiết, thông tin thể thao,…
Sau chương trình phát sóng, phát thanh viên có thể cùng với các thành viên xem lại và đánh giá việc phát sóng để rút kinh nghiệm và lên kế hoạch cho buổi phát sóng tiếp theo.
Các nhiệm vụ trên được các phát thanh viên thực hiện thuần thục, cẩn thận, đỏi hỏi độ chính xác nhằm mang đến cho công chúng nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Có thể nói gánh nặng và áp lực của các phát thanh viên vô cùng nặng nề, vậy nên họ cần phải trang bị cho mình nhiều kĩ năng, kinh nghiệm mới có thể hoàn thành tốt công việc này.
Nghề phát thanh viên làm việc ở đâu?
Là một phát thanh viên, bạn có thể làm việc tại các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương, cho các chương trình truyền hình hay làm việc thông qua kênh radio, như: đài tiếng nói Việt Nam, các công ty truyền thông như Vega corporation, kênh truyền hình VOV,….
Ngoài ra, bạn còn có cơ hội làm việc tại các công ty truyền thông, các kênh truyền hình tương tác trong và ngoài nước, như vậy công việc đòi hỏi ở bạn có khả năng ngoại ngữ tốt và sự am hiểu về các nền văn hóa, tình hình thời sự trên toàn thế giới.
Làm thế nào để trở thành phát thanh viên?
Nếu bạn muốn trở thành một phát thanh viên trong tương lai, hãy đăng ký học ngành báo chí – truyền thông của các trường dưới đây:
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
- Học viện báo chí và tuyên truyền
- Cao đẳng truyền hình
- Cao đẳng phát thanh truyền hình Hà Nam
- Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Huế
- Cao đẳng phát thanh truyền hình II
- ……..
Ngoài ra, bạn có thể đăng kí để tham gia lớp học đào tạo MC khoa phát thanh truyền hình do thầy Hà Phương hoặc NSƯT Kim Tiến giảng dạy. Cơ hội để bạn học về nghề phát thanh viên không hề ít hàng năm đài tiếng nói Việt Nam, đài VOV college hay đài truyền hình Việt Nam vẫn mở những lớp học đào tạo MC. Nếu thực sự yêu quý nghề này, bạn đừng ngần ngại tham gia để học hỏi nhé.
Để trở thành phát thanh viên ở Việt Nam hiện nay cần tốt nghiệp các chuyên ngành Báo chí của các trường Đại học như Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Báo chí là tuyên truyền… có trình độ tiếng anh tốt và thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính.
Một phát thanh viên không thể thiếu yếu tố giọng đọc tốt. Nhờ chất giọng chuẩn, cách phát âm chuẩn, lời nói của họ đã góp phần nâng đỡ tích cực cho nội dung của hàng triệu tác phẩm, trở thành mẫu mực cho cách phát âm của người dân trên khắp mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay, do ngôn ngữ của truyền hình hiện đại trong chương trình thời sự là ngôn ngữ sinh động của đời sống, nên người thể hiện nó hầu như không phải là phát thanh viên, mà chủ yếu là phóng viên, biên tập viên, người dẫn chương trình. Điều này cho thấy, truyền hình hiện đại tiến gần tới lối nói dung dị đời thường, đề cao sự chân tình, gần gũi, thân mật hơn là đề cao những “chất giọng vàng” đẹp thì rất đẹp nhưng có phần xa rời công chúng.
Ngoài ra, là một phát thanh viên bạn cần phải có tính kiên trì, đam mê với công việc, có cá tính, phong cách riêng và sự sáng tạo trong nghề nghiệp cũng vô cùng quan trọng.
Những kĩ năng cần thiết của một phát thanh viên là phải biết biên tập, có khả năng ứng biến với tình huống, và biết biến hóa trong giọng nói.
Ký ức một phát thanh viên
“(VOV5) – “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”… Câu nói bất hủ đó trên nền nhạc bài Diệt phát xít đã từng mở đầu cho biết bao nhiêu buổi phát thanh tin tức thời sự và luôn luôn gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.
Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình tư sản dân tộc. Từ bé đến lớn, tôi đã từng học các trường Pháp cho đến bậc đại học, rồi sau đó tiếp tục học riêng tiếng Anh 3 năm với một bà giáo người Anh, bà Lucille Hà Văn Vượng. Sau khi Hà Nội được giải phóng, qua chị Thi, một người bạn của tôi, tôi được biết Đài Tiếng nói Việt Nam đang tìm người đọc tiếng Anh cho Đài. Tôi nghĩ đây là lúc tôi phải làm một việc gì đó để tham gia công tác cách mạng. Và tôi đã tự nguyện đến Đài Tiếng nói Việt Nam để làm việc.
Nhờ có sự giúp đỡ của nhà báo lão thành người Australia Wilfred Bunchett (đã mất) và sau này là các đồng chí chuyên gia Australia sang đào tạo, hướng dẫn, tôi đã trưởng thành dần trong công tác. Người thầy dầu tiên có công lớn đào tạo tôi trong công tác phát thanh là một chuyên gia Australia, ông Dick Diamond và vợ là bà Lilian Diamond. Năm 1965, khi lính Mỹ ồ ạt trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cộng tác với Ban địch vận của Bộ Quốc phòng để phát những chương trình dành riêng cho binh sĩ Mỹ ở miền Nam. Tôi được giao nhiệm vụ chuyên đọc buổi phát thanh này cùng với một số các anh chị em khác. Mới phát có vài hôm, chúng tôi đã nhận được ngay sự phản hồi của Đài Tiếng nói Hoa kỳ về chương trình này do Bộ Ngoại giao ta thu được và cung cấp cho chúng tôi. Điều đó làm cho anh chị em chúng tôi rất phấn khởi và ý thức được thêm về nhiệm vụ của mình.
Buổi đầu tiên, chương trình này chỉ là một câu chuyện nhỏ dành cho binh sĩ Mỹ (A small talk to American Gl’s) dài chừng 5 hoặc 6 phút lồng vào các chương trình phát hàng ngày của phòng tiếng Anh. Sau đó, chương trình được tăng cường lên 15 phút và 30 phút, phát riêng thành một chương trình hoàn chỉnh, có nhạc Mỹ để cho lính Mỹ nghe. Sau đó, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Đài để hỏi thăm về các chương trình cho binh sĩ Mỹ. Thủ tướng đã khen và cổ vũ tôi cố gắng đọc cho hay và tốt hơn nữa. Khi đọc các chương trình này, tôi luôn tự giới thiệu: “Tôi là Thu Hương, kêu gọi binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam”. (This is Thu Hương calling American Servicemen in South Vietnam).
Nhưng binh sĩ Mỹ lại gọi tôi là Hanoi Hannah. Rất nhiều phóng viên báo chí nước ngoài khi phỏng vấn đã hỏi tôi tại sao lại có tên gọi đó, tôi trả lời: Có thể do chương trình được phát đi từ Hà Nội. Hannah là tên của một phụ nữ Mỹ bắt đầu bằng chữ H, trong khi ở tên Thu Hương, chữ Hương cũng bắt đầu bằng chữ H. Mà lính Mỹ thì lại thích chơi chữ. Tôi không quan tâm về việc lính Mỹ gọi tôi như thế nào, điều chủ yếu là họ đã nghe những buổi phát thanh ta phát nhằm vào họ là đối tượng.
Rồi ngày giải phóng Sài Gòn đã đến. Tôi cũng là người vào phòng bá âm đọc thẳng tin chiến thắng lúc 5 giờ chiều. Với sự đóng góp nhỏ bé của mình vào công tác của Đài, tôi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được tổ chức Đài giải quyết chuyển về Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh để hợp lý hóa gia đình. Phải rời bỏ công việc tôi đã phấn đấu và công tác với tất cả niềm tin và lòng nhiệt tình, đối với tôi lúc đó quả là một sự hy sinh. Tôi tạm biệt các đồng chí của mình trong nước mắt và còn nhớ mãi hình ảnh các anh chị em trong chương trình phát thanh tiếng Anh ra tận sân ga Hàng Cỏ tiễn tôi lên tàu vào miền Nam… lòng bùi ngùi xúc động, nước mắt tuôn trào.
Tôi xin được kết thúc những dòng kỷ niệm của tôi bằng một câu trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp : Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội, thủ đô yêu dấu, nơi tiếng nói Việt Nam hàng ngày vang lên vì hoà bình và hữu nghị sẽ sống mãi trong lòng tôi, là kỷ niệm của thời kỳ tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của đời tôi.”
Những giọng đọc “vạn người mê” một thời của đài phát thanh truyền hình Việt Nam
NSND Tuyết Mai là phát thanh viên một thời lừng danh của Đài tiếng nói Việt Nam. Bà là phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1984 và danh hiệu NSND vào năm 1993. Bà tên thật là Bùi Thị Thái, sinh năm 1925. Bà là một người có giọng đọc êm ái, chuẩn mực tiếng Việt, âm sắc đầy biểu cảm và tròn vành rõ chữ.
Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1976, NSND Tuyết Mai chính là người đọc lời xướng đầu các chương trình thời sự hay đầu mỗi buổi phát sóng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” cùng với PTV Việt Khoa.
Tên tuổi của NSND Tuyết Mai được biết đến nhiều hơn qua các chương trình như “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ”, “Chương trình dành cho đồng bào xa Tổ quốc”…. Năm 1958, bà kết hôn với NSƯT Phan Phúc – Trưởng đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Hai vợ chồng có với nhau một người con gái là nhạc sĩ Phan Tuyết Minh, hiện là Trưởng ban Âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam.
Mặc dù đã nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng tới nay rất nhiều nhạc hiệu Văn nghệ trên sóng phát thanh, thính giả vẫn được nghe lời xướng của nghệ sĩ Tuyết Mai như: “Mời các bạn nghe chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam”; Tiết mục “Tiếng thơ”, “Sân khấu truyền thanh”…
NSƯT Kim Cúc sinh năm 1944, là giọng đọc gắn bó lâu dài với chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” trên Đài tiếng nói Việt Nam. Bà là phát thanh viên đã đọc bản tin chiến thắng quan trọng ngày 30.4.1975 trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam, ngay khi xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập. Giọng đọc của NSƯT Kim Cúc gắn liền với “Đọc truyện đêm khuya” như một thương hiệu không thể lẫn vào đâu được và cho đến nay chưa ai có thể thay thế. Có không ít thính giả gắn bó với chương trình chỉ vì muốn được nghe giọng đọc của bà. Khi bà về hưu, Đài tiếng nói Việt Nam vẫn mời bà cộng tác. Đến năm 2013 bà mới chính thức chia tay với chương trình vì lý do sức khỏe.
NSƯT Kim Cúc đã kết hôn với một phát thanh viên cùng Đài. Hiện tại, ông bà đang sống với niềm vui lớn từ các con và cháu nội, ngoại.
NSƯT Hà Phương
NSƯT Hà Phương tên thật là Đào Ngọc Bích, sinh năm 1940. Hơn 50 năm công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, tên tuổi của NSƯT Hà Phương đã gắn bó với chương trình “Đọc truyện đêm khuya” bằng một chất giọng riêng có. Ít ai biết rằng, giọng đọc nam trong lời xướng “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” quen thuộc với thính giả cả nước hàng ngày, chính là giọng của NSƯT Hà Phương.
Dù đã nghỉ hưu hơn 10 năm nhưng NSƯT Hà Phương vẫn có những chuyến đi tới các vùng xa xôi để truyền ngọn lửa nghề cho bạn đồng nghiệp ở đài PTTH các tỉnh. Hàng tuần, ông đều đặn hai buổi đến phòng thu âm “Đọc truyện đêm khuya” của Đài tiếng nói Việt Nam. Ngày nào ông cũng có ca dạy với hàng chục học viên đến nhà ông tại con ngõ nhỏ ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để học “nghề nói”.