Fixi.vn – Giống như báo chí, PR liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là sự tổng hòa của rất nhiều kiến thức. Môn cơ sở của PR là Triết học, Tâm lý học và Xã hội học, Quản lý xã hội, Marketing, Quản trị kinh doanh… cùng với những kỹ năng Báo chí.
Mục Lục Bài Viết
1. Pr là gì?
PR (Public Relations) có thể được tạm dịch là Quan hệ công chúng như Khoa Báo chí (trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) hoặc theo cách gọi thông dụng hiện nay là Pi-a (phiên âm của hai chữ viết tắt PR trong tiếng Anh).
Hiểu đơn giản PR là việc một đối tượng chủ động thực hiện các quan hệ giao tiếp với cộng đồng nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp của mình. PR là giúp xây dựng quan hệ tốt với công chúng để tranh thủ sự ủng hộ từ họ. Hoạt động PR bởi vậy gắn chặt với các phương tiện truyền thông đại chúng.
-
Nhân viên PR làm gì?
Bạn có thể đi một vòng thế giới, nhưng không bao giờ in được hết dấu chân mình trên khắp vương quốc mênh mông của PR. Có nhiều loại hình PR khác nhau như PR phát triển kinh doanh, PR quảng bá tên tuổi, PR quản trị khủng hoảng…
Mỗi loại hình PR có những nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, công việc của người làm PR gồm những nhiệm vụ chủ yếu sau:
– Các công việc liên quan tới viết và biên tập các văn bản, tài liệu như: thông cáo báo chí, bản tin nội bộ, brochure, diễn văn…
– Lên kế hoạch và tổ chức sự kiện cho công ty.
– Phối hợp và tư vấn cho các phòng ban khác nhằm tạo dựng và phát triển các mối quan hệ với các nhóm đối tượng theo mức độ ưu tiên của từng công ty như: nhân viên công ty, đối tác, khách hàng, truyền thông, các cấp chính quyền, chính phủ…
– Thu thập thông tin, nghiên cứu, phân tích và đưa ra ý kiến tư vẫn cho cấp lãnh đạo về các vấn đề liên quan tới hình ảnh công ty.
– Dự báo, ngăn ngừa khủng hoảng cho công ty.
-
Nghề PR làm việc ở đâu?
Là một nhân viên PR, bạn có thể gây dựng sự nghiệp của mình ở bất kỳ đâu bạn muốn. Bởi mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… đều luôn cần tới PR, đặc biệt trong điều kiện hiện nay. Không một đơn vị, cá nhân nào muốn xây dựng uy tín trên thị trường mà không cần đến mối quan hệ hiểu biết và cùng có lợi với các nhóm công chúng của mình.
- PR nội bộ (PR in-house)
PR nội bộ là một bộ phận trực thuộc một công ty, tổ chức riêng biệt. Người làm PR nội bộ thường là một chuyên gia am hiểu sâu sắc về lĩnh vực mà tổ chức của mình hoạt động.
Bạn có thể tìm một vị trí trong những bộ phận có tên gọi rất khác nhau như Phòng, Vụ, Trung tâm Thông tin, Tuyên truyền, Báo chí, PR… tại các cơ quan, tổ chức nhà nước, công ty tư nhân, tổ chức nước ngoài, các hiệp hội.
- PR độc lập (PR Agency)
Công ty PR độc lập cung cấp dịch vụ tư vấn PR và hoạt động thực tiễn (events) cho những khách hàng khác nhau, tuỳ theo yêu cầu. Ví dụ như tổ chức họp báo, hội chợ, triển lãm, hoặc thực hiện một kế hoạch, chiến dịch ngắn hay dài hạn… Các lĩnh vực hoạt động của PR độc lập rộng hơn so với PR nội bộ.
Hiện nay, nhiều công ty PR đã được thành lập ở nước ta. Chính vì thế, có một danh sách không hề ngắn những công ty PR sẵn sàng tuyển dụng những người làm được việc đang chờ bạn.
Tuỳ thuộc vào quy mô, hoạt động và thị trường mà một công ty, tổ chức có thể dùng đến cả PR in-house và PR agency.
4. Học nghề PR ở đâu?
Bạn cảm thấy thực sự thích thú với PR và muốn biết để trở thành nhân viên PR thì cần học ở đâu? Vậy bạn hãy nhớ rằng: Mọi con đường đều dẫn tới PR
Giống như báo chí, PR liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là sự tổng hòa của rất nhiều kiến thức. Môn cơ sở của PR là Triết học, Tâm lý học và Xã hội học, Quản lý xã hội, Marketing, Quản trị kinh doanh… cùng với những kỹ năng Báo chí.
Từ năm 2006, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức đào tạo ngành PR. Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện cũng có bộ môn PR trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, một số đơn vị đào tạo và các công ty chuyên về quảng cáo, PR cũng mở một số khóa học ngắn hạn.
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng về việc đào tạo PR tại Việt Nam mới đang ở những bước tiến đầu tiên. Ngay tại các nước mà PR đã phát triển rất mạnh như Hoa Kỳ, Anh…, các chuyên gia vẫn nói rằng với những tấm bằng thuộc Khoa học Xã hội và Nhân văn, Kinh tế, Ngoại giao… bạn hoàn toàn có thể bắt đầu sự nghiệp PR của mình.
Nếu bạn có bằng báo chí, sẽ rất thuận lợi khi bạn định làm PR bởi các kỹ năng PR có liên quan mật thiết với truyền thông. Hầu hết những chuyên gia PR hàng đầu như E.Bernays, Ivy Lee, Arthur W. Page… trước khi tiến vào hoạt động trong lĩnh vực PR đều đã là những nhà báo giỏi.
Muốn học PR một cách bài bản, hệ thống hơn và nếu điều kiện cho phép, bạn có thể du học tại các nước có ngành truyền thông phát triển. Hầu hết các học viện truyền thông tại các nước này đều có ngành PR. Hoa Kỳ, nơi vẫn được coi là quê hương PR – nơi PR rất phát triển, là một địa điểm tốt.
Nếu bạn muốn đi “gần nhà” hơn và với chi phí rẻ hơn, có thể học PR ngay tại nhiều nước châu Á như Singapore, Ấn Độ, Philipin, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đào tạo truyền thông và PR tại các nước này được đánh giá tương đối cao.
Tự học PR từ hôm nay
Nếu bạn thấy hứng thú với PR, sao không tự học ngay từ bây giờ? Bạn có thể tìm đọc phần về PR trong các cuốn về Marketing, Truyền thông đại chúng (Mass Communication)… ở thư viện. Tìm gặp một số người có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực PR mà bạn biết.
Ngoài ra, còn một nguồn tư liệu phong phú là Mạng toàn cầu Internet. Vào trang tìm kiếm Google, đánh chữ “Public Relations”, sẽ có rất nhiều trang Web mở ra trước mắt bạn thế giới rộng lớn của ngành Quan hệ công chúng. Bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về cả một ngành công nghiệp PR khổng lồ trên thế giới.
Muốn trở thành PR cần có những tố chất sau :
- Khả năng giao tiếp tốt (gồm cả khả năng nói và viết)
Thái độ ứng xử và khả năng giao tiếp khéo léo, nhanh nhạy được coi là yêu cầu cơ bản với người làm PR. Bạn biết cách giải thích gãy gọn, chính xác và logic mọi vấn đề. Bạn hiểu cần phải làm thế nào để những đối tượng công chúng khác nhau đều tiếp nhận được thông điệp bạn đang gửi tới họ. Ngoài khả năng trời phú đây còn là cả quá trình rèn luyện.
- Biết cách tạo sự tin cậy
PR luôn chăm chút cho danh tiếng, mà vấn đề của danh tiếng chính là lòng tin. Không ở đâu, niềm tin của công chúng lại quan trọng như với PR.
Biết cách tạo sự tin cậy với đám đông không hoàn toàn trùng hợp với khiếu ăn nói của bạn. Nó còn liên quan đến lối sống hàng ngày của bạn. Một nguyên tắc của PR là luôn thông tin trung thực để tạo sự tín nhiệm.
- Óc quan sát và phán đoán tốt, tư duy phân tích cao
PR luôn bắt đầu bằng nghiên cứu, dựa trên óc phán đoán và khả năng phân tích logic, hợp lý vấn đề. PR phân tích công chúng để tư vấn cho giới lãnh đạo và thực hiện những chiến dịch truyền thông.
- Bernays đã chỉ ra thuật ngữ Tư vấn PR và luôn coi đó như một trong những chức năng quan trọng nhất của PR. Tố chất này của người làm PR bộc lộ đặc biệt trong những “hoàn cảnh có vấn đề”, như một chiến dịch quảng bá sản phẩm mới, một tai nạn lao động, một sai lầm nghiêm trọng…
- Năng lực tổ chức
Làm PR đòi hỏi bạn phải có đầu óc tỉnh táo, nhạy bén và tổng hợp của một nhà tổ chức thực sự. Công việc PR luôn gắn chặt với những cuộc họp báo, những buổi thảo luận chuyên đề, những tiệc chiêu đãi, những lễ ký kết… Bạn cần một tinh thần tập thể (biết cách làm việc theo nhóm) và khả năng quyết định độc lập.
- Khả năng nhạy bén linh hoạt trong mọi tình huống
Bạn sẽ làm thế nào nếu trong cuộc họp báo, một nhà báo “cố chấp” không thôi tranh cãi với bạn và liên tục đưa ra những thông tin không có lợi cho tổ chức, công ty của bạn? Là một nhân viên PR, bạn sẽ gặp phải rất nhiều thứ mà chúng ta gọi là “tình huống bất ngờ”. Những rủi ro nghề nghiệp ấy có thể đến bất cứ lúc nào. Sự khéo léo linh hoạt và tinh tế vì thế không thể thiếu trong hành trang PR của bạn.
- Vốn ngoại ngữ và tin học
Người làm PR đòi hỏi phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, thường là tiếng Anh, trên cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Yêu cầu này xuất phát từ đặc điểm công việc PR là thường xuyên tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức nước ngoài, cũng như những văn bản ngoại ngữ…
Bên cạnh đó, những kiến thức và kỹ năng về tin học cũng không thể thiếu với PR. Vì thế, ngoại ngữ và tin học là một trong những yêu cầu tuyển dụng bắt buộc của bộ phận PR.
- Biết chăm chút cho vẻ bên ngoài của mình
Bạn có thể chẳng cần quan tâm lắm đến hình thức, nhưng với PR, đây lại là một trong những nhân tố của thành công. Trong mọi trường hợp, PR luôn là lịch sự và trang nhã.
- Niềm say mê với nghề nghiệp
PR là công việc rất vất vả, luôn phải chịu áp lực từ nhiều phía: ban lãnh đạo, công chúng, giới báo chí…, đòi hỏi ở bạn sự nỗ lực cao nhất. Điều này cũng giống như bạn đang ở trên một đường đua bất tận mà tự cho phép mình buông thả một chút thôi, bạn sẽ lập tức tụt lại.
Vì thế, để thành công với PR, ngoài ý chí phấn đấu, bạn còn cần cả một niềm đam mê làm điểm tựa vững chắc.
Chúng ta sẽ bắt đầu hành trình qua thế giới của PR với một vài câu chuyện thú vị về những kì tích của Bernays trong vai trò một chuyên gia PR.
- Làm thế nào để bán xà phòng cho trẻ em?
Bạn sẽ thật khó chịu nếu phải tắm mà không có xà phòng?
Nhưng nước Mỹ năm 1923, trẻ em rất sợ thứ bọt cay và rát ấy. Công ty xà phòng Protect and Gamble (P&G;) tất nhiên chẳng thích điều này chút nào.
Trong chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm xà phòng Ivory, P&G; đặt ra mục tiêu đưa được sản phẩm mới tới đối tượng là các em nhỏ. Tuy nhiên, những lời nói suông hay vài mẩu quảng cáo trên báo không dễ hấp dẫn các nhóc khó tính. Phải làm sao đây?
Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho Edward Bernays, lúc này đang là chuyên gia PR của P&G.; Sau một loạt nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường và tâm sinh lý trẻ nhỏ, Bernays hiểu rằng trước hết phải thay đổi quan niệm của trẻ nhỏ về xà phòng, và không gì đạt được mục tiêu này nhanh chóng hơn những trò chơi. Cuối cùng, Bernays đã có kế sách độc đáo:
Cuộc thi điêu khắc quốc gia dành cho trẻ em trên xà phòng trắng không mùi hương Ivory.
Đây là một cuộc thi rất quy mô với sự quảng bá nhiệt tình của giới báo chí. Những tác phẩm đạt giải sẽ được gửi tới trưng bày tại New York. Trên thực tế, các “nhí” đang tham dự một trò chơi có thưởng với xà phòng. Cuối cùng, các em cũng phát hiện ra xà phòng, nhất là xà phòng trắng không mùi hương Ivory của P&G; không những chẳng đáng sợ chút nào mà còn rất dễ thương.
Kết quả: cuộc thi thành công rực rỡ và trẻ em đã yêu thích xà phòng, đặc biệt là Ivory. Các ông bố bà mẹ và công ty xà phòng đều hài lòng. Trong suốt hơn 20 năm, cuộc thi này được tổ chức như một hoạt động thường niên, thu hút hàng triệu học sinh trên khắp nước Mỹ tham gia.
- Vì sao người Mỹ không còn ghét balê?
Đầu thế kỷ XX, nước Mỹ tự do ngày nay lại là một xã hội bảo thủ. Người Mỹ không xem balê, lý do là trang phục của diễn viên trên sân khấu… không kín đáo. Vì thế, họ chẳng biết chút gì về balê cả.
Trong hoàn cảnh đó, một đoàn ba lê của Nga quyết định sang Mỹ công diễn. Edward Bernays được gửi gắm trọng trách chuẩn bị về tư tưởng cho công chúng Mỹ. Đây hầu như là điều không tưởng. Cần mất cả chục năm để thay đổi một thành kiến như thế của xã hội. Bernays, là một chuyên gia PR hàng đầu, đã hoàn thành công việc chỉ trong vài tháng.
Qua báo chí, ông liên tục giới thiệu với công chúng Mỹ về nghệ thuật balê với những nét đặc sắc, hấp dẫn. Thậm chí trong những bức vẽ minh họa, ông đã khéo léo kéo dài váy các diễn viên nữ xuống gần chấm đầu gối…
Sau rất nhiều những nỗ lực như vậy, đoàn balê Nga đã thành công vang dội… Và tất nhiên công đầu thuộc về Edward Bernays, người đã kéo công chúng Mỹ tới rạp xem biểu diễn balê.
Không chỉ đem lại thành công cho đoàn balê của Nga, chính Bernays đã giới thiệu tới nước Mỹ một môn nghệ thuật đầy hấp dẫn.
Danh nhân nghề PR
IVY LEE (1877 – 1934)
Ngay từ khi còn học ở trường đại học Priceton, Ivy Lee đã tham gia vào tờ báo của trường. Tốt nghiệp đại học, Lee làm việc cho các tờ báo: New York American, New York Times và New York World, chủ yếu về lĩnh vực tài chính và thương mại.
Năm 1903, ông bước vào lĩnh vực PR với vai trò phụ trách thông tin quảng cáo cho Citizens’ Union. Ivy Lee tham gia ủy ban quốc gia thuộc Đảng Dân chủ DNC. Năm 1905, Ivy Lee liên kết với một đồng nghiệp trong DNC là George Parker, thành lập công ty PR Ivy Ledbetter Lee & G. Parker. Đây là một trong những công ty PR đầu tiên tại nước Mỹ và trên thế giới. Với vai trò tiên phong của mình, Ivy Lee được coi là một trong những người sáng lập ra ngành PR của Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung.
Ivy Lee đã:
* Đưa ra quan điểm rằng hầu hết sự ác cảm của xã hội đối với lĩnh vực kinh doanh là do phần lớn hoạt động kinh doanh diễn ra trong bức màn bí mật, và các nhà kinh doanh không hề trao đổi về các chính sách hoạt động của doanh nghiệp với công chúng. Ông chủ trương xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thông tin cởi mở tới giới báo chí, và qua đó, tới công chúng. Từ quan điểm này, ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của một số doanh nghiệp.
* Giải quyết thành công cuộc đình công của công nhân ở một công ty than năm 1906, vụ đổ tàu ở công ty đường sắt Pennsylvania, cuộc biểu tình của công nhân Công ty Dầu mỏ và Nhiên liệu Colorado thuộc tập đoàn của gia đình tỷ phú John Rockefeller… (Đây chính là cái sau này vẫn được gọi là PR quản trị khủng hoảng – một chức năng quan trọng và ưu việt của hoạt động PR).
Phương pháp chủ yếu của Ivy Lee khi giải quyết những sự cố này là thuyết phục những nhà lãnh đạo công ty thay đổi chính sách và cung cấp đầy đủ thông tin cho báo giới và công chúng…
Ivy Lee được tưởng nhớ bởi 4 cống hiến quan trọng cho ngành PR:
- Đưa ra quan niệm trong kinh doanh và sản xuất cần tự liên kết với các nhóm công chúng quan tâm.
- Chỉ phối hợp với các ủy viên quản trị cao cấp nhất trong việc đưa ra các chương trình hành động.
- Duy trì mối quan hệ giao tiếp cởi mở với giới truyền thông.
- Chú trọng tới sự cần thiết của tính nhân văn trong kinh doanh và đưa nó tới đông đảo công chúng (từ nhân công đến khách hàng và láng giềng).