[wpcc-iframe width=”900″ height=”506″ src=”https://web.archive.org/web/20161011205108if_/https://www.youtube.com/embed/omD6xwKFlEw?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen]
Fixi.vn – Nếu bạn tìm kiếm một công việc văn phòng ổn định với một địa vị trung bình khá trở lên, thì quản trị nhân sự là một vị trí như thế. Công việc này cũng đang được nhiều bạn trẻ săn đón bởi khối công việc đa dạng cũng như khả năng thăng tiến cao.
Mục Lục Bài Viết
1. Tổng quan về nghề quản trị nhân sự
Nhắc đến sự thành công của một doanh nghiệp, người ta thường nhắc tới vai trò của nguồn lực con người, trước cả nguồn vốn, tài chính… Điều đó khẳng định tầm quan trọng của công việc quản trị nhân sự, quản lý nguồn lực công ty, quản lý các nhân viên và các cán bộ khác trong doanh nghiệp.
Quản trị nhân sự hay quản lý nguồn nhân lực là sự khai thác và sử dụng người làm của một tổ chức hay một công ty một cách hợp lý và hiệu quả. Trong một công ty nhỏ, thường thì trưởng bộ phận quản lý nhân sự có thể phải giải quyết tất cả mọi khía cạnh về công việc nhân sự. Nó đòi hỏi người phụ trách công việc này phải có một vốn kiến thức khá rộng.
Trong một tập đoàn lớn thì ban quản trị nhân sự hàng đầu thông thường phát triển và quản lý các chương trình, chính sách về nguồn nhân lực của công ty. Ví dụ như chính sách về việc làm, bồi thường, lợi ích, đào tạo và phát triển, hay các mối quan hệ của nhân viên.
Quản trị nhân sự là một nghề thú vị và bạn trẻ nào cũng có thể theo đuổi nếu thích làm việc với con người và giải quyết những vấn đề liên quan đến con người. Các kỹ năng “hiểu biết sâu sắc hơn về con người” của quản trị nhân sự còn giúp cho các bạn phát huy khả năng thích ứng, hòa nhập với đồng sự hay các môi trường làm việc nhiều áp lực.
2. Quản trị nhân sự làm gì?
Hầu hết các CEO cũng không có câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để quản lý nhân sự giúp công ty cạnh tranh?”, và họ cũng không có danh sách hoạt động cụ thể cần phải làm của bộ phận phụ trách nhân sự nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trong công ty.
Vì thế, Liz Ryan, người có kinh nghiệm làm việc cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 (Mỹ), chia sẻ những việc mà các nhà quản trị nhân sự cần phải làm ngay:
- Phối hợp với các nhà quản lý để xây dựng và truyền đạt một tầm nhìn cho công ty.
- Quảng bá công ty gắn với hình ảnh trọng dụng nhân tài, quảng bá bằng mọi phương tiện, kể cả truyền miệng. Một lãnh đạo nhân sự nên hiểu rõ văn hóa của công ty và có những câu chuyện không chỉ sử dụng cho mục đích tuyển dụng, mà còn để tạo động lực cho tất cả các hoạt động với khách hàng, nhà cung cấp, phương tiện truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp.
- Huấn luyện tất cả nhân viên nói lên sự thật tại nơi làm việc. Bởi vì, sự thật là văn hóa của mọi công ty lớn.
- Củng cố một nền văn hóa doanh nghiệp linh hoạt và khéo léo.
- Xây dựng một lực lượng nhân sự phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của công ty, tạo lập mô hình tuyển dụng hiệu quả.
- Soạn thảo các quy định nhân sự đáp ứng quy định của công ty nhưng không quá nhiều để không khiến nhân viên bị lúng túng hoặc có cảm giác bị đối xử như trẻ em.
- Xây dựng một nền văn hóa hợp tác để tạo động lực cho tất cả các hoạt động, chiến lược quan trọng.
- Gieo ý thức cho nhân viên về công việc kinh doanh, sự nghiệp và cuộc sống nói chung. Đây là việc thường xuyên mỗi ngày chứ không phải cuộc khảo sát hằng năm.
- Thay thế nỗi sợ hãi bằng sự tin tưởng trong chính sách, các buổi đào tạo, thực hành quản lý, và qua mỗi cuộc nói chuyện tại chỗ.
3. Nghề quản trị nhân sự làm việc ở đâu?
Bạn có thể làm việc tại phòng nhân sự của bất cứ công ty lớn, nhỏ thậm chí là tập đòan đa quốc gia nào mà bạn muốn. Ví dụ: Vinamilk, Vật Giá, Vietinbank…
Có rất nhiều cơ hội ứng cử vào Phòng Nhân sự của các công ty với những chức danh như: Chuyên viên Tuyển mộ, Chuyên viên Đào tạo và Phát triển nhân viên, Chuyên viên Tiền lương và Phúc lợi, Trưởng phòng/Giám đốc Nhân sự…, cùng nhiều cơ hội thăng tiến hấp dẫn và phát triển vượt bậc về năng lực bản thân. Các bạn sẽ có đủ năng lực kiến tạo và dẫn dắt đội ngũ nhân viên đủ năng lực hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Nhà quản trị nhân sự giỏi sẽ biết cách giữ chân người tài, nhằm giúp công ty tạo ra lợi thế tuyệt đối về “Trí tuệ và tư duy”. Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng, nhằm chuyển hóa nhân lực thành tài lực một cách liên tục, đó là sứ mệnh của những người làm nhân sự.
4. Học nghề quản trị nhân sự ở đâu?
Hiện tại, ở Việt Nam đã có một số trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nghề quản trị nhân sự như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại Học Lao Động – Xã Hội, Đại Học Thương Mại,…
Khi được đào tạo tại các trường đại học này, bạn sẽ được đào tạo bằng một chương trình đào tạo được cập nhật mới nhất và ưu việt tại Việt Nam, theo thực tế hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng mềm như: giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, quản lý thời gian, nghệ thuật lãnh đạo, tâm lý học… cũng như thường xuyên có cơ hội tham gia nhiều hội thảo chuyên đề thực tế với các chuyên gia nhân sự đến từ nhiều doanh nghiệp, nên các bạn trẻ sẽ dễ dàng có được cái nhìn rõ nét và thấu đáo về thị trường lao động cũng như nghệ thuật sử dụng con người trong doanh nghiệp. Khi ra trường, các tân Cử nhân Quản trị Nhân sự sẽ biết sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và công việc, cũng như sử dụng thành thạo các phần mềm trong quản trị nhân sự một cách dễ dàng. Các bạn sẽ có năng lực tích lũy kiến thức thực tế và cập nhật các kiến thức mới chuyên sâu trong thời hội nhập, để tự nghiên cứu khoa học ở các bậc đào tạo sau đại học.
Ngoài các trường Đại học đào tạo trong nước, bạn có thể theo học ngành Quản trị nhân sự (Human Resource Management) tại các trường đại học ở các nước khác trên thế giới.
Quản trị nhân sự đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn bởi sự năng động linh hoạt. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể trở thành chuyên viên nhân sự chuyên nghiệp thành công. Những kiến thức ở trường cao đẳng-đại học chỉ là nền tảng bước đầu chưa đủ để đẩy bạn đến đài vinh quang của nghề quản trị nhân sự. Vậy những tố chất cần thiết của nghề quản trị nhân sự là gì?
- Luôn luôn tận tụy, hết lòng với công việc
Tận tâm được xem là tố chất đầu tiên mà người làm quản lý, đặc biệt là những nhà quản lý nhân sự. Nhân sự là người chăm lo cho lợi ích của toàn thể nhân viên về các vấn đề như: Chính sách đào tạo, lương bổng, phúc lợi xã hội và cách phải tổ chức bộ máy nhân sự thế nào cho thật hiệu quả . Tận tụy với nghề được xem như là có trách nhiệm và lòng đam mê với nghề . Tận tâm với nghề là hết lòng cống hiến cho công việc chung của công ty, doanh nghiệp và cả người lao động.
- Biết đánh giá đúng và định hướng phát triển khả năng của nhân viên
Người làm nhân sự là làm việc với con người, phát triển nguồn nhân lực của công ty. Do vậy người làm việc trong nghề nhân sự cần biết cách đánh giá năng lực và có định hướng tốt cho việc phát triển khả năng của nhân viên. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, điểm yếu riêng do đó phát triển đúng nhân lực, phát huy được nhân tài của doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp là điểm mấu chốt đánh giá năng lực quản lý nhân sự .
- Tầm nhìn của người quản trị nhân sự
Tầm nhìn đánh giá năng lực mỗi người khác nhau. Không chỉ là một người biết hy sinh và quan tâm đến lợi ích của nhân viên, mỗi người quản lý nhân sự cần phải có một tầm nhìn bao quát về phương hướng, chiến lược phát triển của công ty để can thiệp và tận dụng nguồn nhân lực làm việc một cách hiệu quả nhất. Họ chính là người nhận biết được, nhân viên nào sẽ làm tốt công việc đó, vị trí đó. Họ còn là người giúp sức cho Giám đốc nhìn ra được đâu là người Giám đốc cần để phân quyền và quản lý hiệu quả… Không những vậy, tầm nhìn của họ sẽ nhạy bén và sâu sắc hơn khi họ biết “nhìn xa trông rộng” để phân tích các vấn đề trong công ty/Doanh nghiệp. Học cũng là người không ngừng tìm tòi khám phá những lớp học quản lý như quản lý nhân sự, quản lý sản xuất để gợi ý Ban Giám Đốc cho nhân viên đi học bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ.
Câu chuyện Goldilocks và vấn đề quản lý nhân sự
“Chuyện kể rằng, có cô bé tên là Goldilocks bị lạc trong rừng. Cô đi mãi và cuối cùng đến một ngôi nhà nhỏ của gia đình gấu gồm gấu bố, gấu mẹ và gấu con. Khi vào trong nhà Goldilocks nhìn thấy ba chiếc ghế, nhưng chiếc thứ nhất quá cao, chiếc thứ hai thì quá rộng, chỉ có chiếc thứ ba là vừa vặn.
Cô ngồi lên chiếc ghế thứ ba. Cô bé lại nhìn thấy ba đĩa súp ở trên bàn, đĩa thứ nhất quá nóng, đĩa thứ hai quá nguội, đĩa thứ ba rất vừa. Cô bé ăn đĩa súp thứ ba. Cô bé đi lên thang gác và nhìn thấy ba chiếc giường. Chiếc thứ nhất dài quá. Chiếc thứ hai thì rộng quá. Chỉ có chiếc thứ ba là vừa vặn. Cô bé leo lên chiếc giường thứ ba và ngủ ngon lành.”
Như vậy, ta có thể thấy trong lĩnh vực quản lý nhân sự, nếu bạn đặt nhân viên của mình dưới một áp lực công việc quá lớn với mong muốn đạt được mục tiêu kinh doanh của công ty, họ sẽ phản kháng lại bạn ngay bằng cách phàn nàn không ngớt về môi trường làm việc bóc lột nhân công, nơi mà họ sống chỉ để làm giàu cho bạn. Ngay khi có cơ hội đầu tiên, họ sẽ bỏ sang một công ty khác, và rất có thể công ty đó là một trong những đối thủ cạnh tranh của bạn.
Ngược lại, nếu bạn quá chú ý tới nhân viên và cố hết sức để uốn mình theo sở thích của nhân viên nhằm làm cho công sở của bạn trở nên vui nhộn, thì những nhân việc được nuông chiều đó sẽ có thể làm ra chuyện gì đây? Nhân viên của bạn sẽ bắt đầu cho rằng bạn là một người dễ dãi và lập tức nghĩ đến việc lợi dụng lòng tốt của bạn. Họ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, cho dù những gì bạn mang lại cho họ đã là khá hào phóng so với tiêu chuẩn chung. Họ thậm chí trễ nải trong công việc, hay đùa giỡn với sự thông cảm của bạn khi bạn thử quở trách hoặc phê bình họ. Họ bắt đầu bình luận sau lưng về những quyết định điều hành của bạn, và nằng nặc đòi bạn phải đưa ra lời giải thích cho tất cả những công việc mà bạn muốn hoặc cần họ thực hiện.
Cơ hội thành công của môt nhà quản trị nhân lực
Từ trước tới giờ người ta vẫn suy nghĩ quản trị nhân sự chỉ là một kỹ năng dành cho các cấp quản lý trở lên; thậm chí quản trị nguồn nhân lực cũng chỉ tập trung trong hai công tác tuyển dụng và điều hành nhân sự, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm tính và thường thiếu đo lường chất lượng.
Trong giai đoạn phát triển mới đầy phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhìn nhận ra yêu cầu cần phải chuyên nghiệp hoá công tác quản trị nguồn nhân lực nhằm gia tăng sức mạnh và hiệu quả hoạt động.
Quản lý nhân sự: công việc thiết yếu trong tất cả doanh nghiệp
Hiện nay ở hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, bộ phận đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các công việc chính của phòng nhân sự thường rất đa dạng, bao gồm: công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên, công tác định mức lao động, mô tả công việc, theo dõi chấm công, tính lương, thực hiện các công việc liên quan đến bảo hiểm, giải quyết chế độ (thai sản, nghỉ việc, phúc lợi, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động,…) cho toàn công ty.
Nếu bộ phận bán hàng là mũi nhọn đi đầu, mang lại doanh thu, lợi nhuận về cho doanh nghiệp thì phòng nhân sự nói riêng và các bộ phận khác như kế toán, IT… chính là hậu phương vững chắc giúp con thuyền của doanh nghiệp tiến lên. Sự cần thiết và quan trọng của bộ phận nhân sự còn thể hiện ở việc định hướng và quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đơn cử, tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia như P&G;, Unilever, Samsung, Microsoft,… nhằm đảm bảo nguồn nhân lực luôn dồi dào phục vụ cho các mặt hoạt động của doanh nghiệp, người ta còn bổ nhiệm vị trí Giám đốc nhân sự thay vì nhân sự chỉ là một mảng kiêm nhiệm thêm như trước đây. Đây cũng chính là chiến lược, chính sách được nhiều công ty tại Việt Nam áp dụng nhằm chuyên nghiệp hoá trong việc thu hút nhân tài đầu quân cho doanh nghiệp.