Fixi.vn – “Quảng cáo có thể là thể loại nghệ thuật có sức mạnh lớn nhất trên Trái Đất “- Mark Fenske
Mục Lục Bài Viết
Quảng cáo là gì ?
Trở về nguồn gốc của từ “quảng cáo” trong tiếng La tinh “Advertere”, chúng ta có một khám phá rất thú vị: “Ad” nghĩa là hướng về một cái gì đó, “Vertere” có nghĩa là trở lại. Như vậy, bạn có thể hiểu quảng cáo là hướng tâm trí công chúng về một sản phẩm, dịch vụ hay một tư tưởng, để từ đó công chúng yêu thích và mua sản phẩm, dịch vụ đó.
Sau này, khi quảng cáo đã phát triển thành một ngành công nghiệp hùng mạnh và phổ biến trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu về quảng cáo cũng đưa ra những khái niệm không xa bao nhiêu so với từ “quảng cáo” nguyên thuỷ trong tiếng La tinh.
Ở Việt Nam, mặc dù quảng cáo mới xuất hiện khoảng hơn mười năm nay, nhưng chúng ta đã có nghị định 194 CP của Chính phủ Việt Nam (ban hành ngày 31-12-1994) về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó quy định: “Hoạt động quảng cáo bao gồm việc giới thiệu và thông báo về doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, biểu tượng theo nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Quảng cáo về thực chất là một quá trình giao tiếp, được hiện thực hóa theo mô hình sau:
Các nhân tố cấu thành chủ yếu của quá trình giao tiếp quảng cáo là:
– Người thông báo (chủ thể quảng cáo): tất cả các cá nhân, tổ chức… muốn làm quảng cáo.
– Đại lý quảng cáo: tổ chức độc lập, bao gồm các chuyên gia chịu trách nhiệm thiết kế, tổ chức thực hiện, giám sát hoạt động quảng cáo.
– Các phương tiện truyền tin: tất cả các phương tiện hay vật thể mang, truyền đi thông tin quảng cáo.
– Khách hàng mục tiêu: những đối tượng mà quảng cáo hướng đến.
Để thực hiện thành công một chiến dịch quảng cáo, người làm quảng cáo trước hết cần phải xác định đối tượng nhận tin: Họ là ai? Nam hay nữ? Già hay trẻ? Giàu hay nghèo? Sành điệu hay không sành điệu? Thích xem truyền hình, nghe đài, đọc tạp chí hay báo? v.v…
Mỗi hình ảnh, lời nói, thông điệp của quảng cáo luôn hướng tới một số nhóm khách hàng mục tiêu nào đó và bị chi phối bởi các hoàn cảnh khách quan khác nhau. Các nhóm khách hàng mục tiêu, bởi vậy, chính là một trong những nguồn cảm hứng để các chuyên gia quảng cáo hình thành nên những ý tưởng quảng cáo độc đáo.
Trong ngành quảng cáo bạn làm gì?
Khi nghĩ đến một người làm quảng cáo, chúng ta sẽ tưởng tượng thấy rất nhiều hình ảnh khác nhau. Đó có thể là một anh chàng thiết kế quảng cáo tóc dài, quần áo rất bụi đang ngồi la cà ở một quán cà phê, lơ đãng như không quan tâm đến mọi chuyện xung quanh. Nhưng có ai ngờ, sau cái dáng vẻ như bất cần đời ấy sẽ là sự bùng nổ của các ý tưởng kì diệu.
Hoặc người ta có thể nghĩ đến hình ảnh của một người điều hành quảng cáo bảnh bao trong bộ complet sang trọng, đang trình bày một chiến lược quảng cáo trước khách hàng của mình. Đó cũng chính là hình ảnh lý tưởng của một nhân viên quảng cáo năng động trong xã hội hiện đại.
Trong ngành quảng cáo, tùy vào chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm, bạn có thể tham gia vào nhiều vị trí khác nhau. Chúng ta cùng điểm qua một vài công việc cơ bản nhé!
· Người điều hành quảng cáo
Đây là người bao quát tất cả mọi vấn đề của một chiến dịch quảng cáo. Công việc của người điều hành quảng cáo thường gồm những nhiệm vụ cụ thể sau:
– Thảo luận với khách hàng về các thông tin liên quan như sản phẩm, dịch vụ cần quảng cáo, các thông tin chi tiết về doanh nghiệp, ngân sách, mục đích của chiến dịch quảng cáo này v.v…
– Giới thiệu các chuyên gia (đội ngũ chuyên viên viết ý tưởng quảng cáo, chuyên viên thiết kế quảng cáo v.v…) để tiến hành chiến dịch quảng cáo
– Giới thiệu về phương án dự kiến cho chiến dịch quảng cáo dựa trên các yêu cầu của khách hàng và ngân sách cho quảng cáo v.v.:.
– Khi phương án được chấp nhận, người điều hành quảng cáo điều phối, quản lý, đảm bảo chiến dịch quảng cáo được thực hiện đúng như kế hoạch, đúng thời hạn đã định và kinh phí dự kiến.
– Luôn sát cánh với khách hàng trong dự án quảng cáo và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Người điều hành quảng cáo cũng là người quyết định đặt áp phích, tấm hình, những dòng quảng cáo thế nào cho có lợi nhất. Họ là người chọn lựa phương tiện và cách thức quảng cáo sao cho sản phẩm tiếp xúc được với số lượng công chúng đông đảo nhất. Vấn đề lựa chọn phương tiện truyền thông này chính là mắt xích cuối cùng của dây chuyền quảng cáo.
Tóm lại, người điều hành quảng cáo là người tổ chức, quản lý và kết nối mọi bộ phận sao cho một chiến dịch quảng cáo thành công. Anh ta chính là linh hồn của một chương trình, chiến dịch quảng cáo. Người tổ chức thực hiện quảng cáo giỏi sẽ đem lại danh tiếng và những khoản lợi nhuận kếch xù cho các doanh nghiệp.
Với vị trí quan trọng như vậy, yêu cầu dành cho người điều hành quảng cáo là óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, có năng lực tổ chức, kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng làm việc dưới áp lực cao. Ngoài kinh nghiệm trong nghề quảng cáo như sáng tạo ý tưởng quảng cáo, viết thông điệp, thiết kế quảng cáo…, chuyên môn về kinh tế, marketing, quản trị kinh doanh… rất quan trọng với người tàm công việc này.
· Chuyên viên quảng cáo
Ai là người nghĩ ra những ý tưởng quảng cáo độc chiêu khiến bạn mê mẩn? Ai là người viết những khẩu hiệu, thông điệp quảng cáo mà bạn vẫn thuộc lòng? Câu trả lời là chuyên viên quảng cáo (copy writer).
Anh ta phải là người rất có khả năng về nghệ thuật, văn hóa. Và tất nhiên, anh ta luôn là một kho ý tưởng giàu có với muôn vàn chiêu thức quảng cáo để thuyết phục người tiêu dùng.
Chẳng hạn như để kích thích khách hàng mở ví tiền mua các sản phẩm, dịch vụ của mình, chuyên viên tổ chức thực hiện quảng cảo phải biết chọn những chi tiết nào là hợp lý để nhấn mạnh vào: chất lượng cao, giá rẻ, chi phí sử dụng thấp, sản phẩm bảo hành tốt, mặt hàng phong phú hoặc nhà sản xuất danh tiếng v.v…
Song song với ý đồ quảng cáo là việc đề ra các biểu tượng, biểu trưng cho sản phẩm. Ngoài trí tưởng tượng bay bổng để tạo nên biểu tượng cho sản phẩm, người tổ chức thực hiện quảng cáo phải coi đó là một môn khoa học, cũng như mọi khoa học khác.
Tức là nó phải dựa trên sự phân tích, sáng tạo, nhằm mục đích cuối cùng là đẩy nhanh sức tiêu thụ sản phẩm. Muốn có một biểu trưng tốt, bao giờ bạn cũng nên tìm cách trả lời chính xác, hấp dẫn và độc đáo các câu hỏi: Nói về cái gì? Nói với ai? Nói như thế nào v.v….
· Người thiết kế quảng cáo
Bạn là người đam mê mỹ thuật, khao khát sáng tạo và yêu thích quảng cáo? Có thể bạn sẽ tìm thấy vị trí của mình trong số những người thiết kế quảng cáo. Họ là những người có trình độ nghệ thuật, được đào tạo về mỹ thuật, đồ họa. Chính các chuyên gia này là những người biến những ý tưởng quảng cáo thành các hình vẽ, các panô, áp phích, logo… độc đáo.
Thiết kế quảng cáo là mảnh đất màu mỡ đón chờ các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc v.v… Công việc của họ là tìm ra cách thể hiện ấn tượng nhất cho các ý tưởng của một chiến dịch quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo như tranh vẽ, panô, áp phích, báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử v.v…
· Đạo diễn phim quảng cáo
So với tất cả các loại hình quảng cáo khác, quảng cáo trên truyền hình gây được ấn tượng mạnh và có sức thuyết phục cao nhất. Trên thế giới, những đoạn phim quảng cáo của các hãng lớn đều do những đạo diễn và diễn viên có tên tuổi dàn dựng, diễn xuất. Không ít khán giả coi việc thưởng thức quảng cáo là để thư giãn đầu óc trong lúc mệt mỏi, căng thẳng và tạo nên không khí mới. Phim quảng cáo thực sự là một loại hình nghệ thuật đầy sức hấp dẫn.
Đạo diễn phim quảng cáo có thể đồng thời là người viết kịch bản. Muốn có kịch bản tốt, người viết kịch bản phải tạo ra được một cốt truyện hay, gần với cuộc sống đời thường. Khi đã có kịch bản, người đạo diễn lại phải biết dẫn dắt câu chuyện từ hình ảnh này sang hình ảnh khác một cách logic và tôn trọng nguyên lý các khuôn hình, giữ vững kết cấu của cảnh quay. Người làm phim quảng cáo không chỉ am hiểu về nghệ thuật điện ảnh mà còn phải nắm vững tâm lý khán giả trong tư cách là những khách hàng tiềm năng.
Để đạt được kỹ năng này, các bạn nên theo học những khóa học dài hoặc ngắn hạn về đạo diễn hoặc quay phim. Người làm phim phải biết lôi cuốn khán giả bằng cách tạo ra những phát hiện bất ngờ, bằng những hình ảnh thay đổi từng phút, từng giây.
Bạn hãy luôn nhớ rằng, rất khác với những thể loại phim ảnh khác, phim quảng cáo thường có dung lượng rất ngắn, đòi hỏi độ cô đúc cao và nhất là luôn phải hướng về một thông điệp chính của sản phẩm cần quảng cáo.
Vào nghề quảng cáo từ lục còn trẻ, David Ogilvy – chủ tập đoàn quảng cáo nổi tiếng Ogilvy cho chúng ta những lời khuyên quý giá:
“Sau một năm đào tạo chán ngán, bạn sẽ có thể được làm trợ lý ủy ban quản trị khách hàng. Đến một lúc nào đó, bạn trở thành người thu được nhiều thông tin nhất công ty về khách hàng mà bạn đảm nhận.
Nếu, ví dụ, đó là khách hàng về xăng dầu, bạn hãy đọc sách về hóa học, địa chất, và phân phối sản phẩm dầu lửa. Đọc tất cả những báo thương mại về lĩnh vực này. Đọc mọi báo cáo nghiên cứu và kế hoạch marketing mà công ty bạn thường viết về sản phẩm đó.
Dành các sáng thứ bảy làm việc trong các trạm bán xăng và nói chuyện với người chơi xe ô tô. Thăm những nhà máy lọc dầu và những phòng thí nghiệm.
Ở cuối năm thứ hai, bạn sẽ biết nhiều về xăng dầu hơn cả ông chủ, lúc đó bạn sẽ sẵn sàng kế nghiệp họ”.
Người làm quảng cáo làm việc ở đâu?
Quảng cáo ngày nay đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong hoạt động của hầu hết doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Bởi vậy, với chuyên môn về quảng cáo, bạn có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Cùng điểm qua một số địa chỉ bạn có thể tham khảo nhé:
- Các hãng, công ty, đại lý quảng cáo (Gọi chung là Agency)
Tại các hãng, công ty, đại lý quảng cáo, tùy thuộc vào chuyên môn và năng lực, nguyện vọng, bạn có thể trở thành:
– Trợ lý hay người thiết kế chính thông điệp, thực hiện sáng tạo trong quảng cáo.
– Nhà kinh doanh với nhiệm vụ tìm cách “bán” được nhiều thông điệp quảng cáo.
– Chuyên viên về các phương tiện truyền thông, chịu trách nhiệm quan hệ với các tổ chức truyền thông (mua thời lượng phát sóng, diện tích trên tạp chí, báo…), đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phù hợp với thông điệp…
– Người quản lý một bộ phận chức năng nào đó như thiết kế thông điệp, quản lý các phương tiện truyền thông hay quản lý khách hàng.
– Cuối cùng, bạn là người chủ của hãng quảng cáo với chức năng chính là đảm bảo cho hãng của bạn phát triển mạnh mẽ trên thị trường.
- Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác
Lúc này, bạn là người chịu trách nhiệm về quảng cáo cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức của mình. Nhiệm vụ của bạn là xây dựng, khuếch trương, ghi dấu hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình trong tâm trí công chúng, khách hàng mục tiêu v.v.
Cụ thể, bạn sẽ lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch, chương trình quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu… Bạn cũng là người tổ chức các chương trình khuyến mại, điều hành, giám sát hoặc thực hiện hoạt động PR (quan hệ công chúng) như tổ chức họp báo hội nghị khách hàng, thực hiện tài trợ, quản trị khủng hoảng v.v.
Để thực hiện các chương trình và chiến dịch quảng cáo lớn, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thường thuê hãng quảng cáo chuyên nghiệp. Lúc này, bạn sẽ trở thành đối tác của các hãng quảng cáo và sẽ phối hợp với họ để cung cấp thông tin, sau đó giám sát và đánh giá kết quả… những phần việc mà đơn vị mình đặt hàng hãng quảng cáo thực hiện.
- Làm việc trong các cơ quan truyền thông đại chúng
Trong các cơ quan báo in, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, báo Internet v.v., với vai trò người phụ trách về quảng cáo, công việc của bạn khá đặc biệt. Trước tiên, cũng như người làm quảng cáo ở các cơ quan khác, bạn lên kế hoạch và thực hiện chiến dịch, chương trình quảng cáo cho đơn vị mình.
Mặt khác, các cơ quan truyền thông là đối tác không thể thiếu trong các chương trình, chiến dịch quảng cáo. Bởi vậy, bạn còn trở thành đối tác của các hãng quảng cáo hoặc bộ phận quảng cáo của các doanh nghiệp, đơn vị khác để thực hiện những chiến dịch quảng cáo cho họ. Công việc cụ thể của bạn là bán thời lượng phát sóng (với đài truyền hình), diện tích hay khoảng trống (với báo và tạp chí) v.v.
Học nghề quảng cáo ở đâu?
Hầu hết lớp người trẻ đến với lĩnh vực này tốt nghiệp từ các trường báo chí hoặc quản trị kinh doanh, marketing.
Tuy vậy, dần dần các hãng quảng cáo đã thuê những chuyên gia tâm lý, những người kinh doanh tài giỏi để làm việc trong lĩnh vực quảng cáo. Nhiều giám đốc thiết kế quảng cáo xuất thân từ mỹ thuật công nghiệp, đặc biệt là đồ họa, bởi chìa khóa của thành công trong quảng cáo là sự đổi mới, sáng tạo.
Như vậy, muốn trở thành một người làm quảng cáo chuyên nghiệp, bạn có thể bắt đầu từ nhiều xuất phát điểm khác nhau như: quản trị kinh doanh, marketing, mỹ thuật công nghiệp, báo chí v.v… Từ năm 1996, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thành lập bộ môn Quảng cáo trực thuộc Khoa Marketing. Việc đào tạo cử nhân chuyên ngành Quảng cáo chính thức được thực hiện. Cho đến nay, đây là địa chỉ duy nhất ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành Quản trị quảng cáo.
Ngoài ra, Khoa Thương mại – Du lịch Marketing của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với Công ty Truyền thông tiếp thị Vietnam Marcom, dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Quảng cáo Quốc tế, tổ chức chương trình đào tạo chuyên viên quảng cáo.
Ở mức độ khác nhau, Trường Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Văn hóa, Viện Đại học Mở… cũng giảng dạy một số chuyên đề liên quan đến quảng cáo. Bạn cũng có thể tham dự các khóa học quảng cáo ngắn hạn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu bạn có điều kiện, du học nước ngoài về quảng cáo cũng là một trong những sự lựa chọn đáng lưu ý. Tại các cường quốc của quảng cáo, bạn sẽ có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận với những phát triển mới nhất của ngành công nghiệp quảng cáo khổng lồ. Quảng cáo là chuyên ngành được đào tạo ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Bạn có thể học ngành này tại các trường đại học, các học viện kinh tế ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Xingapo v.v…
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, chi phí cho các khóa học về quảng cáo thường khá cao và đòi hỏi đầu tư tốn kém hơn một số ngành khác. Đổi lại bạn sẽ có những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tuyệt vời.
Hiện nay, quảng cáo nằm trong danh sách những nghề nghiệp hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Rất nhiều bạn trẻ ước mơ mình chính là tác giả của các thước phim quảng cáo trên truyền hình. Cũng có không ít bạn đã ngẩn ngơ suốt giờ chơi đưa những nét vẽ về một ý tưởng quảng cáo lạ nào đó trên trang giấy học trò.
Nhưng để trở thành một chuyên gia quảng cáo thật sự, bạn cần phải có một số tố chất nhất định. Bằng cách đối chiếu với các phẩm chất dưới đây, bạn hãy thử xem mình có nên theo đuổi nghề nghiệp này hay không.
- Tính sáng tạo, óc tưởng tượng cực kỳ phong phú, khả năng nhìn điều bình thường theo một cách độc đáo
Đây là yêu cầu trên hết đối với người sáng tác quảng cáo. Người làm quảng cáo chính là người tạo ra các ý tưởng. Ý tưởng sáng tạo là cách thức bảo đảm cho quảng cáo của bạn có nét mới lạ độc đáo để thu hút và chinh phục khách hàng.
Ý tưởng của bạn xuất phát từ đâu? Từ tính sáng tạo và óc tưởng tượng phong phú cùng với những nghiên cứu dày công của bạn về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu v.v… cần quảng cáo. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ ngồi một chỗ cố nghĩ ra một cái gì đó hay hay. Óc tưởng tượng, sự sáng tạo ấy bắt rễ trên cơ sở chắc chắn của sự am hiểu hiện thực cuộc sống và bề dày văn hóa.
Nhiều nhà thiết kế ý tưởng quảng cáo dành nhiều thời gian la cà ngoài đường phố, trong các quán cóc vỉa hè – nơi họ tìm kiếm những ý tưởng quảng cáo độc chiêu. Và họ thấy ý tưởng của mình chói sáng từ ánh mắt hiền từ của người mẹ cho con bú, từ vòng tay âu yếm của đứa trẻ đang ôm chú cún yêu hay vắt vẻo trên những cành hoa sữa cuối thu thơm nồng v.v…
- Năng lực sáng tác và truyền tải thông điệp
Người làm quảng cáo luôn phải đối diện với việc tạo ra những thông điệp, khẩu hiệu quảng cáo, viết kịch bản cho những thước phim quảng cáo v.v… Phải lựa chọn hình ảnh, câu chữ ra sao để trong thời gian ngắn nhất để lại được những ấn tượng mạnh mẽ nhất, thu hút được nhiều nhất sự quan tâm và yêu mến của khách hàng?
Bởi vậy, năng lực viết, truyền tải thông điệp là phẩm chất thiết yếu với người thiết kế ý tưởng quảng cáo. Nếu không, những ý tưởng thú vị của bạn mãi mãi chỉ có thể nằm yên trong đầu bạn mà thôi.
- Tư duy phân tích, năng lực tổ chức và tính toán
Dù bạn có sáng tạo đến mấy, thiếu đi những phẩm chất này, bạn cũng không thể trở thành chuyên gia quảng cáo thực thụ. Chúng ta đều biết rằng hầu hết các sáng tạo bay bổng trong quảng cáo đều bắt nguồn từ những mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận rất rõ ràng. Chẳng hạn, bạn bắt đầu chiến dịch quảng cáo cho một hãng bia. Trước hết, bạn cần phải phân tích xem đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới là ai. Sau đó là việc tính toán những yếu tố như: chi phí cho chiến dịch quảng cáo này là bao nhiêu, thời điểm nào tung ra quảng cáo là hợp lý… Với vô vàn rắc rối ấy, nếu bạn không phải là người giỏi sắp xếp và tính toán, bạn sẽ khó lòng mà giải quyết được.
- Kỹ năng giao tiếp tốt
Chuyên gia quảng cáo thường xuyên phải làm việc với các đối tác, khách hàng và thuyết trình về phương án, kế hoạch, chương trình quảng cáo của mình. Cũng như chuyên gia PR (quan hệ công chúng), công việc hàng ngày của người làm quảng cáo cần đến cái duyên, sự nhã nhặn, hóm hỉnh trong giao tiếp, một chút hùng biện, khả năng thuyết phục lớn khi thuyết trình hay thuyết phục đối tác.
- Vốn văn hóa sâu rộng và tính nhân văn
Mỗi chương trình, chiến dịch quảng cáo luôn hướng tới những nhóm khách hàng mục tiêu. Không hiểu họ, không am tường sở thích, nhu cầu, phong tục, tập quán của họ, làm sao bạn có thể có được chiến lược và chương trình quảng cáo hợp lý? Bởi vậy, vốn văn hóa sâu rộng, sự hiểu biết tâm lý con người là yêu cầu thiết yếu của người làm quảng cáo. Bạn có thể chợt nảy ra một ý tưởng thật hay, thật độc đáo. Nhưng để duy trì bộ óc mãi mãi như cái kho ý tưởng, nhất thiết không thể thiếu bề dày văn hóa.
Một thông điệp quảng cáo, dù nhằm mục đích cuối cùng là lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng vẫn không thể không mang tính nhân văn, đề cao những giá trị nhân bản của con người, đề cao cái đẹp. Đó chính là mẫu số chung của vô vàn thông điệp quảng cáo muôn màu muôn vẻ trên thế giới.
Quảng cáo của Công ty Viễn thông Quân đội Viettel được coi là sự kết hợp hài hòa của văn hóa Đông Tây. Biểu tượng của Viettel được thiết kế theo hình Elip, tượng trưng cho sự chuyển động liên tục và sáng tạo không ngừng (văn hóa phương Tây), đồng thời lại tượng trưng cho âm dương hòa quyện (văn hóa phương Đông). Câu khẩu hiệu (slogan) Hãy nói theo cách của bạn – Say It your way mang đậm tính nhân văn, coi chính khách hàng là trung tâm. Quảng cáo này đã đem lại thành công lớn cho Viettel.
- Tính kiên trì và cầu thị
Để có được một tác phẩm quảng cáo ưng ý, có thể bạn sẽ phải mất nhiều giờ làm việc miệt mài trong một ngày, và nhiều ngày làm việc miệt mài trong một tháng… Lúc ấy, chỉ có tính kiên trì mới giúp bạn vững vàng đi đến đích cuối cùng. Đây là phẩm chất cần nhiều tới sự rèn luyện của bạn, bởi những người có tố chất sáng tạo, óc tưởng tượng lại thường thiếu một chút kiên trì, nhẫn nại.
Sự cầu thị của bạn cũng không kém phần quan trọng. Ý tưởng của các nhà quảng cáo đến từ đời sống phong phú và quá trình học hỏi. Bạn đừng bao giờ nhầm tưởng rằng quảng cáo là ngồi một chỗ để nghĩ ra thật nhiều cái hay ho.
- Tính hài hước, lãng mạn
Sẽ thật khó để trở thành một chuyên gia quảng cáo giỏi nếu bạn thiếu tính hài hước và lãng mạn. Bạn cần có một cái nhìn nghệ thuật, đôi khi thật dí dỏm để có được những thông điệp hấp dẫn, độc đáo và ấn tượng.
- Sự tự tin
Tính tự tin giúp chúng ta cảm thấy có động lực để làm việc, để tin vào những gì mình làm và tin rằng mình sẽ thực hiện được những gì mình đang hướng tới. Phẩm chất này vì thế không thể thiếu trong hành trang của người làm quảng cáo. Bởi chỉ có thực sự tin vào mình, bạn mới lôi kéo được người khác chung niềm tin ấy với bạn.
Vậy nên khi bạn đã có đủ những tố chất trên rồi mà còn thiếu một chút tự tin để bắt đầu với nghề quảng cáo, hãy tự rèn luyện cho mình đi nhé.
· “Think small” – chiến dịch quảng cáo tiêu biểu của thế kỷ XX
Tổng kết lại những thành tựu về quảng cáo của thế kỷ XX, tạp chí Thời đại quảng cáo (Advenising Age) đã bình chọn chiến dịch quảng cáo cho xe ô tô nhãn hiệu Beetle (Con bọ) của Hãng ô tô Đức Volkswagen là chiến dịch quảng cáo tiêu biểu nhất. Không kỹ xảo hiện đại, không cảnh quay hoành tráng, không sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng v.v…, điều gì đã làm nên thành công kỳ diệu ấy của chiến dịch này?
Trước hết, chúng ta phải kể đến sản phẩm ô tô Con bọ (Beetle). Năm 1959, thế giới đã có gần 15 năm để phục hồi và phát triển sau thế chiến thứ hai. Một kỷ nguyên mới được mở ra. Một lớp người tiêu dùng mới được hình thành, đại diện cho sức trẻ, sự cách tân. Họ mong đợi những hàng hóa mới mẻ hơn. Đây cũng bắt đầu thời kỳ của những chiếc váy mini trẻ trung, phô bày vẻ đẹp của người phụ nữ thay cho kiểu váy dài truyền thống. Đã qua rồi thời của những chiếc xe lộng lẫy, thon dài và kiểu cách.
Với sự nhạy bén tuyệt vời, hãng ô tô Volkswagen của Đức đã ý thức được rõ ràng sự thay đổi ấy. Một loại ô tô với cái tên đầy “phá cách” ra đời: Con bọ (Beetle). Đó là những chiếc xe nhỏ, hình dáng không cầu kỳ như những kiểu xe trước đó, giá rẻ, hứa hẹn thành công rực rỡ tại thị trường mà sức trẻ, sự mới mẻ, cách tân đang đóng vai trò quan trọng nhất.
Vấn đề còn lại là một chiến dịch quảng cáo phù hợp để quảng bá cho Con bọ. Volkswagen đã quyết định chọn Doyle Dane Bernack bởi tính sáng tạo của công ty quảng cáo này. Người đứng đầu của Doyle Dane Bernback là William Bernback nổi lên như một nhân vật tiên phong trong các sáng tạo, làm thay đổi diện mạo quảng cáo thập niên 60.
Quả thực, Doyle Dane Bernback đã không khiến Volkswagen phải thất vọng. Qua những nghiên cứu, phân tích, trao đổi kỹ lưỡng, công ty quảng cáo này đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo mang tên: “Think small” (tạm dịch là Hãy nghĩ đơn giản). Thông điệp được đưa ra là: “Hãy nghĩ đơn giản.
Chiếc xe nhỏ bé của chúng tôi không quá khác thường.
Hàng chục đứa trẻ không còn cố ủn nhau vào đó.
Anh chàng ở trạm xăng không hỏi phải bơm xăng vào đâu.
Không còn ai nhìn chằm chằm vào dáng vẻ của nó.
Thực tế những người lái chiếc ô tô nhỏ của chúng tôi thậm chí không nghĩ rằng 32 dặm cho một ga-lông xăng là điều gì to tát.
Cũng như việc chỉ mất 5 panh xăng thay vì 5 lít Anh. Hay không bao giờ cần lo làm nóng máy.
Hoặc một đôi lốp chạy được tới 40.000 dặm.
Đó là bởi vì một khi bạn quen với chính sách tiết kiệm của chúng tôi, bạn không bao giờ phải nghĩ về những điều ấy nữa.
Ngoại trừ khi bạn cố đậu xe vào một điểm đỗ xe chật hẹp. Hoặc gia hạn bảo hiểm. Hay trả những hóa đơn sửa chữa ít tiền. Cũng như đổi chiếc VW cũ lấy môi chiếc mới.
Hãy nghĩ về tất cả những điều đó”.
Khẩu hiệu “Think small” (tạm dịch là Hãy nghĩ đơn giản) vừa ăn khớp với tinh thần của chiếc xe Con bọ nhỏ bé và tiện dụng, lại vừa hợp với tâm lý của người tiêu dùng thập kỷ 60, đã đạt kỷ lục về số người yêu thích. Sự giản dị đã thuyết phục mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những thứ bay bổng trống rỗng. Chiến dịch VW những năm 60 được coi là chiến dịch quảng cáo điển hình nhất trong lịch sử ngành quảng cáo thế giới.
· Nâng niu bàn chân Việt
“Bước chân Âu Cơ lên non. Bước chân Lạc Long Quân xuống biển… Bước chân Tây Sơn thần tốc. Bước chân vượt dãy Trường Sơn. Bước chân tiến vào thiên niên kỷ mới.
Bitis – nâng niu bàn chân Việt”.
Bộ phim quảng cáo kéo dài khoảng nửa phút của Biti’s được coi là một trong những chương trình quảng cáo thành công nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Cùng kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt” nhưng khẩu hiệu quảng cáo của Biti’s mang nét rất riêng. Có một điều đặc biệt là công ty quảng cáo được hãng Biti’s thuê để xây dựng chương trình quảng cáo cho mình là một công ty nước ngoài, nhưng người trực tiếp viết ý tưởng cho đoạn quảng cáo trên lại là một người Việt Nam: Trương Tiếp Trương.
Biti’s muốn tạo bước đột phá cho sản phẩm giày dép của mình bằng một chương trình quảng cáo đặc biệt ấn tượng. Bởi vậy, họ đã không ngại ngần bỏ ra 15.000 USD thuê công ty quảng cáo nổi tiếng của Mỹ Leo Burnett. Những yêu cầu của Biti’s đặt ra là: quảng cáo phải sáng tạo, độc đáo, không miêu tả trực tiếp sản phẩm, mà chỉ mang tính gợi ý, tạo mối liên tưởng và đặc biệt là phải mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Leo Burnett đã giao nhiệm vụ sáng tạo ý tưởng và viết thuyết minh cho chuyên gia quảng cáo Trương Tiếp Trương. Đây là công đoạn quan trọng nhất cho sự thành công của một chương trình quảng cáo.
Qua những nghiên cứu tỉ mỉ, Trương Tiếp Trương đã tìm ra một dòng chảy lịch sử qua những chiếc dép âm thầm, lặng lẽ dưới chân con người: bước chân trần của tổ tiên người Việt, những hia, hài thời phong kiến, đôi giày cỏ theo quân Tây Sơn dựng nên trang lịch sử hào hùng, đôi dép cao su nổi tiếng vượt dãy Trường Sơn, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc; cuối cùng là đôi giày thể thao hiện đại, khỏe khoắn cùng thế hệ trẻ Việt Nam tiến vào thiên niên kỷ mới. Những bước đi của cả dân tộc, bước thăng trầm của lịch sử hiện hình ở đây.
Đầy ắp sự tự hào, tôn vinh và tinh thần dân tộc, ý tưởng quảng cáo của Trương Tiếp Trương đã đánh rất trúng tâm lý của người Việt Nam. Thông điệp “Nâng niu bàn chân Việt” trở thành một trong những khẩu hiệu quảng cáo được yêu thích nhất tại Việt Nam và ghi sâu vào lòng nhiều người dân Việt. Cùng với những góc quay cận cảnh đầy ấn tượng, khuôn hình đẹp do giám đốc mỹ thuật Đạo Văn Hoàng, nhà quay phim người Mỹ Joe Jizzo và đạo diễn Nicolas của hãng Sundest phối hợp thực hiện, chương trình quảng cáo của Biti’s đã thành công hơn cả mong đợi.
Lược sử quảng cáo
Lịch sử của quảng cáo gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của xã hội loài người. Cách đây nhiều ngàn năm, từ thời kỳ của những nền văn minh cổ đại, người ta đã thấy xuất hiện trên các bức tượng, đền đài v.v… những dấu hiệu truyền tin có tính chất như thông điệp quảng cáo ngoài trời.
Đặc biệt, việc phát minh ra máy in chữ rời vào khoảng năm 1450 của người thợ kim hoàn Johannes Gutenberg (người Đức) đã tạo ra một bước ngoặt về truyền thông trên phạm vi rộng (truyền thông đại chú ng). Đoạn quảng cáo bằng chữ in đầu tiên đã xuất hiện vào năm 1477.
Tuy nhiên, quảng cáo mà chúng ta tiếp xúc hiện nay (hiểu theo nghĩa hiện đại) chỉ ra đời cách đây vài trăm năm, gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Năm 1625, trên tờ Tuần tin Luân Đôn ( Weekly News of London)xuất hiện quảng cáo. Năm 1704, quảng cáo xâm nhập vào nước Mỹ. Tờ báo đầu tiên có đăng quảng cáo là tờ Bản tin Boston (Boston Newsletter). Sau đó, quảng cáo phát triển sang nhiều nơi khác.
Năm 1841, đại lý quảng cáo đầu tiên ra đời do Volnel Palmer thành lập. Đại lý này hoạt động dưới hình thức môi giới: bán khoảng không trên báo để đăng ký quảng cáo và nhận hoa hồng.
Cuối thế kỷ XIX, những phát minh vĩ đại của cuộc cách mạng công nghiệp khiến sức sản xuất tăng nhanh, thị trường mở rộng, thúc đẩy quảng cáo phát triển.
Đầu thế kỷ XX, cùng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, quảng cáo có những bước tiến lớn, được coi như một ngành công nghiệp đặc biệt. Ở các nước phương Tây và Mỹ, doanh thu từ ngành này ngày càng tăng, đặc biệt từ khi xuất hiện các phương tiện truyền thông đại chúng mới như phát thanh, truyền hình, phim ảnh và mạng toàn cầu Internet… Các phương tiện này tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển ở phạm vi rộng hơn và nhanh hơn. Ngày nay, quảng cáo không chỉ thuộc về kinh doanh mà còn được coi là một lĩnh vực nghệ thuật đặc biệt.