Fixi.vn – Thợ kim hoàn là những người trực tiếp tạo ra các sản phẩm trang sức tinh xảo, là người nghệ nhân tạo nên những vẻ đẹp sang trọng, tinh tế nhất.
Mục Lục Bài Viết
Thợ kim hoàn là ai?
Thợ kim hoàn là người trực tiếp chế tác ra nhiều loại đồ kim hoàn khác nhau như nhẫn, bông tai, lắc tay, dây cổ, mề đay… bằng kim loại quý như vàng, bạc, đồng theo các mẫu thiết kế có sẵn. Họ chuyên gọt dũa, lắp ráp đồ kim loại hoặc chuyên cẩn hột vào món hàng đã được người khác lắp ráp. Một số thợ chỉ chuyên cắt mài, đánh bóng hột đá. Người có tay nghề cao hơn được xã hội tôn vinh là những nghệ nhân. Các nghệ nhân có sức sáng tạo vô biên cùng tay nghề chuẩn mực, họ vừa có thể sáng chế ra những mẫu mã mới, vừa chế tác riêng đáp ứng các yêu cầu đặc biệt từ khách hàng.
Đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt đam mê sự hoàn hảo – là kỹ năng vàng đầu tiên cần có của một người thợ kim hoàn bởi họ chính là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm trang sức tinh xảo, tạo ra biểu tượng của những vẻ đẹp cao sang nhất. Miệt mài trong cả một dây chuyền để mài giũa chi li, khắc chạm từng đường họa tiết, đánh bóng tỉ mỉ cho một chiếc nhẫn hay cái lắc tay nhỏ, những người thợ phối hợp nhịp nhàng, cần mẫn. Tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, chính là kết quả của cả một quá trình công phu.
Thợ kim hoàn làm gì?
Khác với những người thợ kim hoàn thời xưa, thợ kim hoàn thời hiện đại gắn công việc của mình với những tiến bộ khoa học kĩ thuật để cho ra đời những sản phẩm tinh tế, hoàn hảo hơn lại tiết kiệm được thời gian và công sức cho chính bản thân mình.
Người làm nghề thợ kim hoàn có những công việc chính sau:
+ Gia công, chế tác các nguyên liệu vàng, bạc, các loại đá thành các chi tiết kim hoàn (sử dụng các công cụ cắt, gọt, chạm…).
+ Sử dụng công nghệ laser, công nghệ CAD-CAM, công nghệ đúc với hột đá, công nghệ cắt gọt với dao kim cương… trong công việc chế tác.
+ Thực hiện ráp, nhám, đánh bóng, hàn các chi tiết của sản phẩm, chạm khắc hoa văn.
+ Sửa chữa sản phẩm hỏng, chỉnh kích cỡ của các đồ trang sức theo yêu cầu của khách hàng.
+ Quan sát, đánh giá bề mặt, cấu trúc của đá quý, giám định chất lượng của các loại trang sức vàng, bạc… từ đó định giá trị và phân loại sản phẩm.
Vàng, bạc, kim cương, ruby, lục bảo… – đó là những vẻ đẹp lấp lánh thô sơ của tự nhiên. Bàn tay của những người thợ kim hoàn đã làm chúng tỏa sáng vẻ đẹp sắc sảo, tinh tế – vẻ đẹp của sự kỳ công, khéo léo, tài năng.
Thợ kim hoàn làm việc ở đâu?
Thợ kim hoàn có thể lựa chọn làm việc tại các xưởng chế tác thuộc công ty đá quý, các cơ sở sản xuất nữ trang hoặc các tiệm vàng bạc, đá quý. Ngoài ra, thợ kim hoàn có thể làm việc tự do tại gia, làm theo các đơn hàng đặt riêng theo yêu cầu của khách hàng.
Người làm nghề kim hoàn đa phần làm việc toàn thời gian. Đôi khi thợ kim hoàn cũng phải làm thêm ngoài giờ để kịp thời gian trao trả sản phẩm cho khách hàng hoặc khi có số lượng đơn đặt hàng lớn.
Học nghề thợ kim hoàn ở đâu?
Người muốn theo nghề thợ kim hoàn có thể học làm thợ kim hoàn qua các trường nghề như: Trung tâm dạy nghề mỹ nghệ kim hoàn tp.HCM, Trung tâm dạy nghề vàng bạc đá quý Hùng Phú…
Tuy nhiên, cũng có nhiều thợ kim hoàn học nghề thông qua con đường vừa làm vừa học (còn gọi là dạy kèm) với các thợ đàn anh tại các tiệm tư nhân hay các cơ sở sản xuất nữ trang.
Trở thành một thợ kim hoàn, bạn cần biết được các kỹ năng như kỹ thuật căn bản, kỹ thuật hột đá, kỹ thuật đúc, kỹ thuật khắc bằng máy,…
Để trở thành một người thợ kim hoàn, bạn cần những tố chất và kỹ năng cần thiết sau:
+ Sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận, cầu toàn: Tố chất này sẽ giúp người thợ kim hoàn không chỉ tạo ra những sản phẩm đẹp mà còn hoàn hảo đến từng chi tiết, phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
+ Bền bỉ, cần cù, ham học hỏi, kiên nhẫn: Người thợ kim hoàn có tố chất này sẽ được nâng cao tay nghề, học hỏi được những kĩ thuật mới, những phương pháp sáng chế tối tân.
+ Có mắt thẩm mỹ, yêu thích nghệ thuật, sáng tạo: Tố chất này sẽ giúp người thợ kim hoàn làm ra những sản phẩm đẹp, độc đáo hơn so với những sản phẩm của những người thợ khác.
+ Nhạy cảm về thời trang: Người thợ kim hoàn nhạy cảm về thời trang sẽ nắm bắt được xu hướng, tạo ra những sản phẩm hợp thị hiếu người tiêu dùng.
+ Khả năng phối hợp, làm việc nhóm: Kỹ năng này sẽ giúp nâng cao tay nghề người thợ kim hoàn.
+ Lắng nghe, hiểu ý khách hàng: Giúp người thợ kim hoàn nắm bắt chính xác nhu cầu của khách hàng để tư vấn, tạo ra những sản phẩm phù hợp.
Ông Cao Đình Độ sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa được mệnh danh là ông tổ của ngành kim hoàn. Niềm đam mê lớn trong ông là trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, buộc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Để học được nghề, ông phải cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội) bởi thời kỳ này chỉ có người Trung Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc.
Tính hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm Kim Hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Mặc dù người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được biết quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.
Dưới thời vua Quang Trung, danh tiếng Ông Cao Đình Bộ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập cơ vệ Ngân Tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, trạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung điện.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị Tổ nghiệp, hằng năm, các thợ Kim Hoàn miền Trung (Huế) tổ chức lễ giỗ tổ Ông Cao Đình Độ vào ngày 27-2 (âm lịch). Tại làng Định Công (Hà Nội), giỗ tổ sư họ Trần, Phan Thiết giỗ tổ sư họ Huỳnh.
Qua những biến chuyển của thời đại, nghề kim hoàn không bị mai một mà còn được lưu giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù ngày nay, vàng bạc được sản xuất chủ yếu trên dây chuyền hiện đại, nhưng tổ thờ vẫn được coi trọng và tôn thờ.
Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều làng nghề làm nghề kim hoàn nổi tiếng với những sản phẩm đẹp, tinh tế còn được lưu truyền hiện nay. Hai làng nghề vàng bạc ở Châu Khê – Hải Dương và Kiêu Kỵ – Gia Lâm, Hà Nội là hai làng nghề tiêu biểu ấy.
Làng nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương)
Cho đến bây giờ, làng nghề làm vàng bạc Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1494) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.
Là quan Thượng thư bộ Lại, nhưng Ông Lưu Xuân Tín rất được triều đình nhà Lê tín nhiệm, giao cho trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long. Được triều đình dành cho đặc quyền, Lưu Xuân Tín đã ưu tiên cho người làng ông lên Thăng Long lập xưởng đúc bạc tại phường Đông Các. Dần dần, từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng bạc. Kể từ đó, nghề làm vàng bạc Châu Khê trở nên lừng danh không chỉ ở Hải Dương mà còn lan truyền đến Hà Nội, nơi nổi tiếng với tên phố Hàng Bạc, tập trung rất nhiều thợ làm vàng bạc vùng này.
Làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm – Hà Nội)
Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước còn nghề làm vàng quỳ. Nghề làm vàng quỳ ở đây có lịch sử hình thành, phát triển trong khoảng 250 năm.
Ông Nguyễn Quý Trị đỗ tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1740 – 1786). Vào năm 1763, khi đang làm quan đến chức Tả Thị Lang, Hàn lâm viện trực học sĩ, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Trên đường công cán ông nhận thấy ở đất nước người có nghề rất hay: nghề dập dát vàng bạc để sơn thếp vàng bạc lên câu đối, hoành phi… Ông cố gắng tìm hiểu và học cho được nghề. Khi về nước ông phổ biến cho dân làng.