Fixi.vn – Thợ mộc là một cách gọi dân dã của những người làm nghề mộc nhỏ lẻ trong gia đình và các xưởng sản xuất thủ công. Ngày nay, trong những nhà máy sản xuất và chế biến đồ gỗ nói chung, thợ mộc làm việc tại đó được gọi là công nhân mộc.
Mục Lục Bài Viết
Thợ mộc là ai?
Từ đồng bằng duyên hải tới những vùng trung du đồi núi, những vật dụng làm bằng gỗ có thể dễ dàng được tìm thấy ở bất cứ một gia đình nào. Gỗ được cho là một trong những nguyên liệu chính và quan trọng nhất phục vụ cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử phát triển từ hàng ngàn năm qua.
Những người thợ tạo hình và thổi hồn vào gỗ đã hình thành nên một nghề có cái tên rất giản dị – Nghề mộc.
Một người thợ mộc làm việc với xây dựng và sửa chữa các hạng mục và cấu trúc được làm từ gỗ. Hơn thế nữa, họ là những người đam mê về những thứ được xây dựng từ gỗ và tạo ra những sản phẩm bằng gỗ từ những đôi bàn tay khéo léo đầy kỹ thuật của mình.
Thợ mộc làm gì?
Công việc chính của người thợ mộc bao gồm:
- Gia công gỗ, tạo hình sản phẩm theo bản mẫu thiết kế, sử dụng các công cụ như: bào, cưa, đục, búa, khoan, máy cắt…
- Tính toán, đo lường các thông số kỹ thuật trên vật liệu một cách chính xác.
- Tiến hành xây dựng, lắp đặt các kiến trúc cầu thang gỗ, cửa gỗ, sàn gỗ, kiểm tra, sơn sửa, thay thế khung cửa, cầu thang… (đối với những người phụ trách kiến trúc gỗ trong xây dựng).
- Thiết kế họa tiết, giũa, tỉa, chạm khắc mỹ nghệ, lắp ráp, sơn, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm.
- Sáng tạo, cập nhật mẫu mã mới, đảm bảo nguồn nguyên liệu (đối với những người thợ chế tác đồ gia dụng hoặc đồ mỹ nghệ).
- Quảng bá hình ảnh của sản phẩm, giới thiệu sản phẩm đến cho người dùng.
Thợ mộc làm việc ở đâu?
Thường, mỗi khi nhắc đến thợ mộc là người ta nghĩ ngay đến gỗ. Vì vậy, nơi làm việc của họ sẽ là nơi cất, chứa nhiều gỗ như các xưởng gỗ. Thông thường, nghề làm gỗ có truyền thống, và các xưởng làm gỗ thường phân bố theo cụm thành các làng nghề. Những ai có mơ ước trở thành thợ mộc có thể làm việc tại các xưởng gỗ của các làng nghề này hoặc các xưởng gỗ trực thuộc các công ty làm đồ mỹ nghệ…
Làm thế nào để trở thành thợ mộc?
Để trở thành một người thợ mộc, bạn có thể tới xin học tại các xưởng gỗ có tổ chức đào tạo, tại các làng nghề nổi tiếng như làng nghề La Xuyên, làng mộc Thủ Đức…
Bên cạnh đó, bạn hoàn toàn có thể tự học nghề mộc tại nhà và mở cho mình một xưởng làm gỗ riêng. Tuy nhiên, việc học nghề mộc một mình tại nhà khá vất vả. Bạn có thể tìm hiểu kiến thức thông qua Internet và cặm cụi thử nghiệm. Sẽ vất vả hơn rất nhiều so với việc bạn đến các làng mộc để học nghề vì tại đó, bạn có thể được hướng dẫn từ các nghệ nhân, những người kinh nghiệm chuyên sâu về nghề làm gỗ.
Là một người thợ mộc bạn cần phải có những tố chất và kỹ năng cần thiết sau:
- Sức khỏe thể chất tốt: Đây là công việc đòi hỏi bạn cần có sức khỏe tốt bởi tính chất công việc buộc bạn phải thường xuyên bê đỡ các khối gỗ. Bên cạnh đó là việc bạn phải sử dụng các công cụ để đục, đẽo… các khối gỗ chắc nịch cũng cần có một cánh tay khỏe mạnh, rắn rỏi.
- Kỹ năng toán học: các thợ mộc sử dụng kỹ năng toán học cơ bản hàng ngày, họ cần tính toán khối lượng và đo lường vật liệu được cắt.
- Khéo léo, tỉ mẩn, và kiên nhẫn: đó là những tố chất cần thiết của một người thợ mộc khi thao tác kỹ năng chạm khắc. Một tác phẩm đẹp được các “nghệ nhân” làm một cách cẩn thận, trau chuốt từng chút một.
- Có kỹ năng giải quyết vấn đề: Người thợ mộc sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khi làm việc. Họ cần phải có khả năng nhận ra vấn đề, đưa ra giải pháp nhanh chóng và hiệu quả để giải quyết nó.
Nghệ nhân mộc giữ lửa nghề truyền thống cho nghề mộc
Nghệ nhân Đỗ Đình Bộ là người làng Ngọc Than (Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) – nơi có nghề đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng truyền thống. Ngắm nhìn ngôi nhà gỗ 2 tầng của nghệ nhân, ai cũng thán phục bởi sự tài hoa và khéo léo của người từng gắn bó gần nửa đời với nghề đục đẽo.
Ông Bộ là thế hệ thứ 3 trong gia đình nổi tiếng làm nghề mộc. Nhưng khác với những người khác chuyên làm đồ thờ, gia dụng thì ông Bộ lại mày mò thêm về những kỹ thuật liên quan đến kiến trúc, xây dựng.
Nhờ siêng năng, chịu khó học tập, nên chưa đầy 20 tuổi, ông đã tự xây được một căn nhà bằng gỗ và sở hữu một xưởng mộc quy mô khá lớn. Cũng nhờ có tài mộc trong xây dựng, nên ông cũng là một trong rất ít thợ tại làng được mời đi xây dựng các công trình đình, chùa khắp cả nước. Qua bàn tay ông, hàng trăm mái đình, chùa được gọt đẽo một cách tinh xảo, như: Chùa Pháp Vân, chùa Thầy, chùa Bồ Đề, đình Nghiêm Xá (Bắc Ninh), chùa Thầy (Hà Nội)… Những ngôi chùa qua bàn tay xây dựng của ông Bộ, đều toát lên dáng dấp cổ kính, rất thân thuộc.
Dù đã ở tuổi lục tuần, ông Bộ vẫn không ngại khó, ngại khổ tìm đến những vùng trung du, miền núi để tìm mua gỗ quý theo yêu cầu đặc biệt của mỗi công trình. Không chỉ tự làm giàu từ lao động chân chính, ông Bộ còn là ông thợ cả trong làng giữ vai trò quan trọng trong truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Tại phân xưởng của ông luôn có khoảng 30 thợ nghề – người thì đến học, người thì đã học xong và xin về làm tại phân xưởng của ông.
Ở người nghệ nhân này, nhiều thế hệ thợ trẻ đã tìm thấy cảm hứng nghề nghiệp. Với những đóng góp to lớn từ nhiều thế hệ, dòng họ của ông của là dòng họ duy nhất góp công đưa Ngọc Than có mặt vào danh sách làng nghề truyền thống của Thủ đô như hiện nay.
Lịch sử nghề mộc
Nghề mộc tại Việt Nam hình thành từ thế kỉ thứ 10 thời nhà Đinh. Nhiều dân tộc ở vùng núi phía Tây Bắc – Việt Bắc nước ta từ lâu đã ở trong những căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ và tre nứa đan ghép. Các dân tộc Tây Nguyên cũng sống trên các loại nhà rông bằng những cây gỗ to nguyên khối và cao lớn. Dân tộc Kinh ở miền trung, miền bắc có kiểu nhà gỗ ba gian với nhiều đồ dùng hàng ngày bằng gỗ như phản gỗ để nằm nghỉ, khung cửi, chày cối, đũa, bát gỗ… Nghề mộc nước ta bắt đầu tựu hình vào thế kỷ thứ X, bắt đầu từ thời Nhà Đinh, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lập nên Nước Đại Cồ Việt.
Theo sử sách còn ghi lại, ông tổ của Nghề Mộc là Ninh Hữu Hưng. Ninh Hữu Hưng (936 – 1020), quê ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Khi Vua Đinh Tiên Hoàng tuyển thợ giỏi về giúp triều đình, ông được Vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh thành và được phong cho chức Công tượng lục phủ Giám sát tướng quân.
Đến Nhà Tiền Lê, Ninh Hữu Hưng càng được trọng dụng. Một lần nhà vua Lê Đại Hành đi qua vùng Cái Nành (Nam Định ngày nay), Vua đã cho ông ở lại đất này. Từ đó, Ninh Hữu Hưng đem con cháu tới đây an cư lạc nghiệp. Ngày nay, vùng đất này là thôn La Xuyên, của xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định. Ninh Hữu Hưng còn là ông tổ của Nghề chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, khảm trai lên đồ gỗ.