Fixi.vn – Người thợ thêu may không chỉ là người có kinh nghiệm mà còn là những người am hiểu nghệ thuật và có đôi bàn tay khéo léo để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt nhất.
Mục Lục Bài Viết
Thợ thêu may là ai?
Thêu may là nghề truyền thống và tiêu biểu ở Việt Nam.Thợ thêu may thêu thủ công những hình ảnh hoa văn,họa tiết lên sản phẩm gấm, lụa,vải vóc,tranh thêu…Những sản phẩm thủ công mà họ làm ra là những sản phẩm được làm dưới bàn tay khéo léo với kĩ thuật tinh túy và rất đa dạng cùng sự phối hợp hài hòa giữa nhiều loại chỉ. Vì vậy người thợ thêu may không chỉ là người có kinh nghiệm mà họ còn là những người am hiểu nghệ thuật và có đôi bàn tay khéo léo để có thể tạo ra những sản phẩm đẹp mắt thu hút người tiêu dùng. Có rất nhiều sản phẩm thủ công được làm bằng tay như áo dài, gối, các tranh thêu, khăn phủ giường, khăn treo tường…Sản phẩm thêu may là sản phẩm thủ công được làm hoàn toàn bằng tay không sử dụng máy móc nên rất bền, đẹp có tính thẩm mĩ cao, vì vậy không chỉ người Việt Nam mà người dân nước ngoài cũng rất ưa chuộng.
Các sản phẩm thêu ngày càng đa dạng, phong phú như thêu tranh, thêu chăn, ga, gối; thêu phục chế mẫu cổ, thêu quần áo thời trang, thêu cờ, phướn, thêu đính cườm, thêu truyền thần…
Hiện Hà Nội còn 40 làng thêu, trong đó huyện Thường Tín được coi là nơi phát tích của nghề này và cũng là nơi nghề thêu vẫn đang phát triển nhất với 25 làng thêu.
Thợ thêu may làm gì?
· Chuẩn bị dụng cụ thêu (vải, chỉ thêu, khung thêu).
· Lựa chọn vải: loại vải dùng để thêu gồm vải lụa, vải coton, vải phi Phước Thịnh… Tùy theo từng mẫu tranh thêu mà người nghệ nhân sẽ có sự lựa chọn phù hợp. Ví dụ như những bức trang thêu cảnh sông nước có thể thêu trên vải lụa tạo sự mềm mại, thêu cảnh ngày mùa ở làng quê hoặc thêu chân dung người có thể thêu trên vải Phi Phước Thịnh, thêu tranh tĩnh vật trên vải coton…
· Lựa chọn chỉ thêu: gồm có chỉ tơ bóng, chỉ típ, chỉ coton là những loại chỉ được sử dụng phổ biến nhất. Chỉ thêu có nhiều màu sắc mỗi bức tranh thêu dùng tới khoảng gần 200 màu chỉ tạo nên sự mềm mại tinh tế mà máy móc không thể làm được.
· Tạo hình: theo cách tạo hình truyền thống thì những người nghệ nhân sẽ căng vải thêu trên một mặt phẳng sau đó vẽ lên vải. Hiện nay cách làm đó vẫn còn nhưng không phổ biến. Một số nơi hiện nay đã sử dụng công nghệ in bằng máy tính những hình lên vải thêu để sản xuất hàng loạt đạt hiệu quả lao động cao hơn.
· Dựng khung: Khung thêu được làm bằng gỗ hoặc tre dài khoảng 1,2mét. Tùy từng kích cỡ vải thêu mà có thể lựa chọn những kiểu khung thêu dài hay ngắn phù hợp. Khi lên khung vải thêu phải căng và ngay ngắn những hình in trên vải thêu không bị biến dạng. Khung thêu phải có vải bọc dọc quanh khung tạo ra lực ma sát để vải không bị trùng xuống trong quá trình thêu.
· Thêu: Sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng những nguyên vật liệu cần thiết và tạo hình, lên khung xong người nghệ nhân bắt đầu bước vào thêu. Các bước thêu một bức tranh gồm các công đoạn đó là: lát nền, tỉa tạo hình, thêu chi tiết và sửa lại để hoàn thành. Mỗi bước thêu lại sử dụng một loại chỉ khác nhau, một cách thêu chỉ khác nhau như thêu chỉ sợi đơn, sợi đôi, sợi bốn…
Thợ thêu may làm việc ở đâu?
Thợ thêu may thường làm việc tự do tại nhà hoặc là nhân công trong các xưởng thêu may, làng nghề truyền thống. Như mọi nghề thủ công khác, công việc này không gắn với văn phòng bàn giấy hay phải đi xa nhiều, không cần làm việc ở những nơi có địa hình nguy hiểm, làm việc ngoài trời mà không gian và thời gian làm việc thường rất thoải mái, linh hoạt.
Là thợ thủ công thêu may sau khi có kĩ thuật lành nghề bạn có thể làm việc tại các trung tâm thêu may, xưởng thêu, công ty xuất khẩu hàng thêu tay, tại các làng nghề nổi tiếng về thêu hoặc cũng có thể giảng dạy, truyền nghề thêu trong các trường nghề, xưởng thêu. Nếu có tay nghề và kinh nhiệm cao thì bạn có thể tự mở riêng xưởng thêu may và thuê nhân công.
Những làng thêu truyền thống nổi tiếng nhất có thể kể đến là Quất Động, Đào Xá, Nguyên Bì, Phương Cù, Văn Lâm… Đây là nơi những thợ thêu may có thể học nghề và tham gia vào các đội nhóm thêu, xưởng thêu, thêu tự do theo đơn đặt hàng, kết hợp với du lịch.
Học nghề thêu may ở đâu?
Thợ thêu may được đào tạo qua sự học hỏi,truyền dạy của các thế hệ đi trước hoặc từ các làng nghề nổi tiếng về thêu may và bên cạnh đó có thể học qua một số trường nghề như:Làng nghề thêu tay Quất Động (Hà Tây cũ), Trường trung cấp nghề Tổng Hợp Hà Nội-Khoa Mỹ Nghệ, Cơ sở thêu ren huyện Yên Dũng: Tiểu khu I, thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lan, Thôn Chùa, Xã Xương Giang, Thành phố Bắc Giang…
Hiện nay chưa có trường Đại học, Cao đẳng nào dạy nghề thêu may nhưng các bạn muốn theo nghề thêu may có thể học tại các trường nghề, các xưởng thêu, các lớp học truyền nghề ngắn hạn của những thợ thêu may lâu năm lành nghề hoặc tự học qua sách dạy thêu, các bài dạy thêu trên internet… Trong quá trình hành nghề, khả năng tự học, tự vận dụng trí sáng tạo và chủ động học hỏi là rất quan trọng để tạo ra những sản phẩm thêu may độc đáo mang dấu ấn riêng của thợ thêu may đó.
Thợ thêu may cần có những tố chất sau:
- Khéo léo: Nghề thêu may là một nghề thủ công cần đến sự khéo léo của đôi tay. Nhờ đôi tay linh hoạt, khéo léo mới có thể tạo ra những sản phẩm đẹp, tinh tế từ các vật dụng đơn giản. Nếu tay chân lóng ngóng vụng về thì sẽ gặp nhiều trở ngại trong công việc này, năng suất lao động không cao và chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
- Cẩn thận, bền bỉ: Thợ thêu may cần có sự cẩn thận, tỉ mỉ, chú ý đến tiểu tiết để đạt đến độ tinh tế, chính xác trong từng đường kim mũi chỉ vì chỉ cần một sai sót, thợ thêu may có thể làm hỏng sản phẩm thêu và phải làm lại từ đầu. Việc thêu may bao gồm rất nhiều công đoạn, để thêu xong một sản phẩm cần rất nhiều thời gian, công sức, có những tác phẩm mất hàng tháng trời để thêu rồi chỉnh sửa, trau chuốt mãi mới hoàn thiện được sản phẩm, đòi hỏi thợ thêu may phải có tính cần mẫn, siêng năng, chịu khó.
- Có óc thẩm mĩ: Thợ thêu may cần có đôi mắt tinh tường để quan sát và có óc thẩm mĩ tốt, trí sáng tạo để biết cách tạo mẫu đẹp, cách kết hợp màu hợp lí, hài hòa, biết sản phẩm thêu như thế đã đẹp mắt, dễ nhìn, ấn tượng và đúng kĩ thuật chưa.
Nghệ nhân tranh thêu tài hoa của Hà Nội
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội – người đã gắn bó với nghề thêu hơn nửa thế kỷ tâm sự rằng, nghề làm tranh thêu đã chọn ông và ông vui với nghề, say với nghề. Giờ ông lão gần 70 tuổi ấy điều hành Công ty CP thêu tay Quốc Sự, nằm bên lề đường Quốc lộ 1, tại xã Thắng Lợi, có chi nhánh ở số 2C Lý Quốc Sư Hà Nội.
Quốc Sự được đánh giá là Công ty sản xuất hàng thêu tay hàng đầu Việt Nam. Riêng nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, được mệnh danh là người “vẽ tranh bằng chỉ”. Bởi những bức tranh được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của ông, khiến người xem tưởng nó được vẽ bởi một họa sĩ tài hoa bậc nhất. Những đường nét, những khóe môi cười, ánh mắt… của nhân vật đều có hồn, có sự đằm thắm, nhuần nhuyễn lạ kỳ.
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự sinh năm 1942, trong gia đình có truyền thống làm nghề thêu ren ở xã Quất Động. Ngày nhỏ Quốc Sự cũng như bao cậu bé khác học nghề thêu từ lúc 10 tuổi để phụ giúp gia đình. Sự được nhận vào làm cán bộ kỹ thuật, người trẻ nhất của Hợp tác xã thêu Hợp Tiến được thành lập trên địa bàn xã.
Vào năm 1972, trong một chuyến về thăm xã Thắng Lợi, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn rất thích những bức tranh thêu. Người nói: “Xã Thắng Lợi thêu giỏi, nhưng chưa có ai thêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tổng Bí Thư động viên các nghệ nhân hãy thêu chân dung Bác. Lúc đó, Sự nghe được, trong lòng liền ấp ủ những dự định. Sự được cử đi học thêm lớp hội họa để nâng cao kiến thức. Học xong, Sự thêu bức tranh đầu tay về Bác Hồ và thành công. Giờ bức tranh đó vẫn được lưu giữ tại gia đình, để nhắc nhớ về một kỷ niệm lớn.
Có thể nói, bức Chân dung Bác Hồ là bức tranh thêu để đời của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Từ khóe mắt, đến nụ cười hay chòm râu của Bác Hồ đều rất sống động khiến cho người ta tưởng đó là một bức ảnh chụp chân dung. Hơn nữa, cái thần thái của Bác được khắc họa một cách sống động, tỉ mỉ mà ít nghệ nhân làm được.
Ông Sự nói: “Để thêu được bức chân dung này, tôi đã mất gần một năm trời ròng rã, đêm nằm ngủ cũng bị ám ảnh về từng nét trên khuôn mặt Bác. Có lúc thêu rồi lại tháo ra, mà thêu đã khó khi gỡ lại càng khó hơn, bởi gỡ từng sợi chỉ là điều cực kì phức tạp. Tranh được thêu hoàn toàn bằng chỉ tơ tằm, với loại sợi đặc biệt, kết hợp với kỹ thuật tài hoa và lòng kính trọng, lòng yêu nghề”.
Riêng bức thêu “Nàng Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci, được đánh giá là đẹp đến kỳ diệu, ông Sự đã dùng cả trăm màu chỉ mới thêu được. Ông phải bỏ ra gần 3 năm trời mới thêu xong. Một “tay chơi” đã gạ gẫm gần 300 triệu để mua, nhưng ông Sự chưa ưng bán. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm, cũng thấy ngạc nhiên. Họ từng được nhiều bức tranh chép, nhưng tranh thêu mà làm được như ông Sự thì thật tài tình. Cái khó của nghề thêu còn phải dựa vào cảm giác của người nghệ nhân. Bởi vì, khi thêu, nghệ nhân phải cúi sát vào phông vải, tầm bao quát bị giảm nên dễ gây ra sự mất cân đối. Ông Sự nói: “Tôi khác với các thợ thêu khác bởi đã được học căn bản về hội họa. Phải hiểu rõ cơ mặt biểu hiện trên khuôn mặt như thế nào, chẳng hạn tìm được đúng điểm cơ rung trên mặt một người đang cười để thêu cho đúng thì mới thể hiện được nụ cười của người ta”.
Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động
Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến độ tinh xảo và kĩ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội.Nơi đây từ thế kỷ 17 đã có nghề thêu, có những nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động tô đẹp cho đời.
Theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của ba miền bắc trung nam là tiến sĩ Lê Công Hành. Đến đời Lê Thái Tông (1423-1442), Bùi Công Hành dẫn đầu đoàn sứ bộ đi sứ. Vua nhà Minh muốn thử tài sứ giả nước Việt bèn cho dựng một lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Rồi rút thang để ông không thể leo xuống và lệnh trong một tháng nếu ông không tiếp đất an toàn sẽ bị giam cầm mãi mãi ở Trung Quốc.
Đây là một gian thờ Phật, không để một thứ thức ăn gì ngoại trừ một vại nước uống cầm chừng. Với niềm tin ở hiền gặp lành, ngày ngày ông cũng ngồi thiền niệm Phật dưới ban thờ và nghĩ cách leo xuống. Một hôm, ông thấy một đàn ong bay lượn phía sau mấy tán lọng che tượng Phật. Lại gần tìm hiểu thì thấy trên cánh tay của tượng có một vết rạn, và một con ong đang chui vào đấy. Biết rằng ong chỉ tập trung ở đâu khi nơi ấy có mật ngọt, ông liền bẻ một mảng mà nếm, thì thấy vị ngọt đậm. Thật ra bức tượng làm bằng chè lam ông ăn dần nhờ thế sống sót. Ngắm mấy cái lọng đẹp, hoa văn khác lạ, ông nảy ra ý học lại cách thêu của người Trung Quốc, ông vừa tháo vừa thêu lại những hoa văn đó.
Ở Quất Động, nghề thêu bằng phương pháp thủ công vẫn là nghề trọng yếu, chỉ đứng sau nghề nông và cung cấp công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thu nhập từ thêu thùa chiếm đến 50% tổng thu nhập bình quân toàn xã. Người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình có tới dăm, bảy đời làm nghề này. Từ nhỏ, các bé gái đã được cha mẹ cho những chiếc khung thêu hình tròn xinh xắn, mấy cái đê, kim khâu, vải vụn và kéo con để tỷ mẩn học thêu. Lớn lên, nhiều người đã trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tầm cỡ.
Ngoài kinh doanh hộ gia đình, ở Quất Động cũng có hợp tác xã thêu, với nhiều xưởng thợ, xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim và xưởng nhỏ 15-30 tay kim. Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách… trên sản phẩm thêu. Mọi nhà đều làm theo đơn đặt hàng với mẫu mã cho sẵn hoặc tự tác, cứ hai ngày một lần các đơn vị và du khách lại về mua và vận chuyển hàng đi các tỉnh.
Xưa kia, thợ thêu Quất Động chỉ dùng chỉ màu tự nhiên nhuộm từ củ nâu, củ nghệ, lá móng, hoa hòe, lá chàm, vỏ sò… với năm màu chỉ cơ bản vàng, đỏ, tím, xanh, lục… Tới đầu thế kỷ 20 đã có thêm chỉ trắng của Pháp và chỉ màu nhân tạo Trung Quốc, cũng như học tập cách thêu của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc để cho ra nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, đa dạng từ tế tự, y môn, liễn trướng, tán, lọng, hoành phi, câu đối… bày trong các đền chùa cho đến áo mão, cân đai, khăn chầu, trang phục tuồng chèo, chăn, mền, khăn trải bàn, tấm lót đĩa, ga trải giường, mành, lô gô, áo phông, áo dài, đồng phục học sinh và đặc biệt là tranh thêu… Chúng được dùng trong nhiều lĩnh vực như trang trí nội thất, làm quà tặng, phần thưởng, vật tiến cúng trong các dịp hiếu hỉ, sinh nhật, tậu nhà mới, cúng lễ và nhiều sinh hoạt tín ngưỡng…
Quất Động cho đến nay đã có nhiều tên tuổi được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương; Phạm Viết Tương với chân dung Hồ Chủ Tịch và Thái Văn Bôn với Chân dung vua Thái Lan…
Học tập cha ông, tuổi trẻ Quất Động vẫn ngày đêm chăm lo kế thừa và phát huy nghề thêu truyền thống. Ở đâu cũng thấy các em nhỏ mang theo kim chỉ thêu dù là ở nhà hay trường. Còn các phụ nữ, thanh niên thì luôn hăng say miệt mài bên khung thêu. Từng nhóm ngồi quây quần, chuyện trò rôm rả, trong khi tay và mắt vẫn đưa đều thoăn thoắt. Với nhiều người, thêu là sinh kế cũng là nét sinh hoạt văn hóa vui tươi hàng ngày.