Fixi.vn – Những người thợ thủ công là người làm công việc bằng tay, đòi hỏi sự trau chuốt về mặt kĩ thuật và sự sáng tạo. Trong xã hội hiện đại, nhiều ngành nghề thủ công không kịp thích ứng khó tránh khỏi nguy cơ mai một. Song những người thức thời lại luôn biết cách biến sản phẩm của mình thành độc nhất, quý giá nhất, tinh tế nhất.
-
Mục Lục Bài Viết
Thợ thủ công là ai?
Thợ thủ công là một trong những ngành nghề lâu đời nhất của lịch sử nhân loại. Họ là những người sử dụng đôi tay khéo léo của mình trực tiếp tạo ra các sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Không cần đến máy móc, các sản phẩm được làm bằng tay này luôn đảm bảo được sự chi tiết, kĩ xảo và trên hết là độc nhất vô nhị.
Có lẽ chính bởi sự độc đáo này mà người bảo hộ cho các thợ thủ công trong thần thoại Hy Lạp chính là nữ thần Athena. Bà là một nữ thần xinh đẹp, quyết đoán, đồng thời cũng là thần bảo trợ cho trí tuệ sắc sảo. Người xưa đã rất tinh ý khi để Athena trở thành thần bảo trợ của thủ công mỹ nghệ, bởi nghề này thực sự là sự kết hợp chặt chẽ giữa vẻ đẹp, trí tuệ, sự khéo léo và nhạy bén.
-
Thợ thủ công làm gì?
Thợ thủ công hay còn được gọi là nghệ nhân thủ công, là những người tạo ra các sản phẩm bằng tay mà không phụ thuộc vào máy móc công nghiệp. Trong từ điển Hán Việt, “thủ” được hiểu là tay. Còn “công” có nghĩa là sức lao động. Chính bởi gần như chỉ gia công bằng tay nên thợ thủ công thường phải trải qua khá nhiều thời gian, công đoạn và công sức để tạo ra sản phẩm. Nhưng cũng bởi đặc điểm này mà sản phẩm thủ công được làm ra cũng vô cùng tinh xảo, độc nhất và có giá trị cao do máy móc không thể “thổi hồn” vào từng tác phẩm như con người.
Các ngành nghề thủ công rất đa dạng bởi vậy thợ thủ công trong mỗi ngành nghề đều có những công việc khác nhau. Họ sẽ có những kỹ năng nhất định: dệt, may, đan, thêu, thổi thủy tinh, vẽ, điêu khắc,… ứng với một số nghề như làm đồ gốm, làm đồ thủy tinh, làm đồ mây tre đan, đồ da, chế tác kim hoàn, may mặc, vẽ tranh dân gian…
Công việc của họ thường bắt đầu bằng việc tưởng tượng hoặc làm ra các bản vẽ mẫu, cũng như chuẩn bị đầy đủ các công cụ, nguyên vật liệu tạo ra sản phẩm. Họ sẽ sử dụng các công cụ cầm tay hoặc một số máy móc thô sơ để cắt, tạo khối, mài và gắn kết các nguyên vật liệu lại với nhau. Bằng sự khéo léo và những kỹ thuật, họ mang đến vẻ vững chắc và hài hòa nhất cho tác phẩm. Công đoạn cuối cùng là trang trí, vẽ hoàn thiện để sản phẩm trở nên bắt mắt người tiêu dùng bởi vẻ độc đáo, tỉ mỉ của nó.
Để hoàn thành một sản phẩm thủ công tốt cần có kỹ thuật chắc chắn và kinh nghiệm lâu năm. Bởi vậy các thợ thủ công ngoài sáng tác, chế tạo, còn là người trực tiếp truyền dạy, chỉ bảo kinh nghiệm, kỹ thuật cho những thế hệ đi sau.
Ngày nay trước sự phát triển mạnh mẽ của những dây chuyền công nghiệp, những sản phẩm được sản xuất hàng loạt với độ chuẩn mực y hệt, người thợ thủ công cũng chịu không ít sức ép cạnh tranh từ thị trường. Bởi vậy ngoài chế tác, họ còn phải kiêm thêm nhiều công việc như nghiên cứu sở thích tiêu dùng, nghiên cứu các kỹ thuật mới để tăng tính tinh xảo cho sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, quảng cáo, tạo các mối tiêu dùng hàng…
- Thợ thủ công làm việc ở đâu?
Bất chấp sự mai một của nhiều truyền thống, các ngành nghề thủ công vẫn nhận được sự đầu tư và ưu ái nhất định bởi tính thẩm mĩ, khác biệt và quý giá của nó. Để tập trung phát triển các ngành nghề thủ công này, các thợ thủ công thường được khuyến khích làm việc trong các làng nghề đã tập trung. Họ thường tự sản xuất tại nhà, hoặc được thuê vào làm việc cho các xưởng ở quy mô vừa và nhỏ.
Với những thợ thủ công uy tín đã được công nhận, họ có thể tự mở các xưởng sản xuất tại nhà, làm việc cho các phòng triển lãm, bảo tàng, trung tâm thiết kế nội thất, các hãng thời trang danh tiếng… Đôi khi họ cũng tham gia vào các công tác xã hội khác, trở thành cố vấn trong các ủy ban nhằm bảo tồn, phát triển ngành nghề của mình.
-
Học nghề thủ công ở đâu?
Thợ thủ công được đào tạo chủ yếu qua thực hành đó là học từ những người đi trước đã có kinh nghiệm, học từ bạn bè người thân ở các làng nghề hoặc là tự học tự tìm tòi, học hỏi theo đam mê… ngoài ra có một số trường nghề đào tạo thợ thủ công như:
– Trung tâm Dạy nghề Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM
– Làng nghề làm trống ở Đọi Tam
– Làng nghề mây tre đan Chương Mỹ
– Làng gốm Bát Tràng
– Làng nghề dệt Phùng Xá
Thủ công là công việc được làm bằng tay, đòi hỏi có sự trau chuốt về mặt kĩ thuật và sự sáng tạo nên người thợ phải có một số tố chất như sau:
– Khéo léo: Nếu không có đôi bàn tay khéo léo, người nghệ sĩ sẽ không thể tạo ra cái đẹp. Tuy nhiên khéo léo còn là tố chất có thể rèn luyện một phần. Trải qua thời gian luyện tập vất vả, người nghệ sĩ sẽ ngày càng nâng cao và chứng tỏ được tay nghề của mình.
– Sáng tạo: Người thợ thủ công cần phải biết phối hợp kỹ thuật cùng với sáng tạo cá nhân để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh, thích nghi với nhu cầu người dùng và tối thiểu hóa các công đoạn rườm rà, phức tạp. Hơn nữa đây cũng chính là điểm làm nên sự đặc biệt của đồ thủ công bởi máy móc chỉ có thể tạo ra những bản sao giống hệt nhau. Còn sự sáng tạo mới làm nên sức sống cho sản phẩm.
– Ham học hỏi: Các kỹ thuật thủ công được truyền từ đời này qua đời khác sẽ không tránh khỏi những mất mát. Người thợ thủ công ham học hỏi có thể là người hồi sinh cả một nét văn hóa cổ xưa của dân tộc. Mặt khác, với sự phát triển của xã hội, người thợ thông minh cần khéo léo vận dụng các tri thức thời đại để tăng hiệu quả cho sản xuất của mình.
– Kiên trì: Kiên trì để rèn luyện sự khéo léo, thử nghiệm, sáng tạo ra các sản phẩm mới. Tới những thiên tài còn cần tới 99% nỗ lực để thành công thì những người nghệ sĩ này cũng rất cần sự bền bỉ để yêu và tiếp nối nghề của mình.
– Yêu nghề và gắn bó với nghề: Muốn làm thợ thủ công trước hết phải là người yêu nghề và có tâm huyết với nghề. Bởi lẽ công việc này yêu cầu sự đầu tư thời gian cho từng công đoạn, từng sản phẩm. Quá trình chế tác cũng gặp không ít khó khăn do những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, các vấn đề về an toàn, bảo hộ lao động. Chưa kể tới sản phẩm tạo ra còn chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm công nghiệp. Phải là người yêu nghề, gắn bó với nghề thì mới vượt qua được những khó khăn trên, cũng như sáng tạo, tìm tòi, không ngừng phát triển ngành nghề của mình.
Nếu nhắc đến một trong những thợ thủ công lẫy lừng nhất nhất thế giới, phải kể tới cái tên Louis Vuitton. Vào năm 1835, cậu bé 14 tuổi Louis Vuitton đi bộ từ Jura đến Paris. Suốt chuyến hành trình dài hơn 400 km, cậu làm đủ mọi nghề từ người thợ đóng hòm cho đến người quản gia để chi trả chi phí. Trong quá trình trải nghiệm, cậu đã tích lũy được những kiến thức chuyên ngành, hiểu rõ điều gì tạo nên chiếc túi xách du lịch chất lượng tốt. Chính từ đó chàng trai trẻ đã bắt đầu tự thiết kế túi xách cho mình, tạo lập nên nền tảng của thương hiệu LV – một trong những nhãn hàng hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới.
Nhãn hiệu Louis Vuitton với những kỹ năng độc nhất và lâu đời trong nghề làm da thủ công đã tạo nên những chiếc túi kinh điển làm nức lòng những người yêu thời trang và cái đẹp. Ở Saint-Pourçain-sur-Sioule, Pháp, nghề làm da thủ công hiện có ba cơ sở sản xuất với 600 nhân công. Nhân công ở đây được đào tạo theo chuẩn “gia truyền” theo qui trình đào tạo tại Trường kỹ năng Louis Vuitton.
Nói về những chiếc túi xách thủ công của LV là nói tới sự cân bằng tinh tế giữa mẫu mã không tuổi, chất liệu hoàn hảo và đường nét khâu tay chuẩn xác – thứ chỉ có thể học được duy nhất ở trường đào tạo của LV. Những điểm nút đều đặn xuyên qua lớp da là thứ dấu vết độc nhất của truyền thống, là kỹ nghệ được các tất cả các hãng đồ xa xỉ khác thiết tha.
Từ những chiếc túi xách truyền thống nổi tiếng đến va li kéo, và ví đựng thẻ,… các sản phẩm làm xong được chuyển tới trung tâm Louis Vuitton ở Cergy-Pontoise, ngoại ô Paris, trung tâm chịu trách nhiệm phân bố hàng tới hàng nghìn cửa hàng trên khắp thế giới.
Cho tới nay, Louis Vuitton, nhãn hàng thủ công cao cấp, được xem là một trong những đại diện tiêu biểu cho hình ảnh lẫy lừng của nước Pháp trên toàn thế giới. Người ta gọi LV là sự kết tinh của trí tuệ Pháp, một hình ảnh rất tao nhã, hiện đại nhưng vô cùng tinh tế và giàu truyền thống.
Ở thành Thăng Long xưa có 36 phố phường: Hàng Bạc sản xuất, chế tác vàng bạc, phố Hàng Thiếc làm đồ gò, hàn thiếc, phố Hàng Đồng chạm khắc đồng, còn có Hàng Buồm, Hàng Cân, Hàng Quạt hay Hàng Lọng…
Trên cả nước thì có làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, làng dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Hà Nội), làng tranh Đông Hồ, làng gỗ Đồng Kỵ (Bấc Ninh), làng sơn mài Cát Đằng (Ý Yên, Nam Định), làng đá mỹ nghệ Non Nước ( Đà Nẵng)… Nhiều ngành nghề còn tạo ra sản phẩm mang tính văn hóa dân gian độc đáo như nghề tò he ( trò chơi nặn bằng đất cho trẻ em) ở Hà Nội, nghề tạc tượng, làm các con rối cạn, rồi nước ở Nam Định, Thái Bình…
Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong ngành thủ công là chuyện ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Ông Lê Công Hành trước đây có tên là Trần Quốc Khái, đỗ tiến sĩ dưới đời vua Lê Chân Tông, nhờ thông minh xuất trúng mà sau đó được vua ban họ, đổi tên là Lê Công Hành.
Năm Bính Tuất 1646, ông đi sứ sang Trung Quốc. Người Trung Quốc muốn thử tài sứ thần Việt Nam nên nhốt ông lên lầu cao rồi rút hết thang đi rồi để ông lại một mình trên đó. Trên lầu chỉ có một tượng Phật, một chum đựng nước cúng và 2 cây lọng cao dài, tinh xảo. Đói bụng, ông dùng luôn nước cúng để uống. Một lát sau thì phát hiện tượng Phật cũng có thể ăn được, ông yên chí sống trên lầu cao mấy ngày.
Rảnh rỗi, Lê Công Hành dỡ các bức trướng và lọng ra để xem. Nhìn thấy đường thêu tinh xảo từ mắt rồng, móng rồng tới lông phượng, cánh phượng,… ông nhập tâm ghi nhớ, mong sẽ truyền lại được cho bà con trong nước sau này. Từ hai cây lọng dài, ông cầm lọng nhảy xuống đất, bình an vô sự trước sự thán phục của người Trung Quốc.
Trở về nước, ông Lê Công Hành lại dùng chính trí nhớ siêu phàm của mình truyền lại những kỹ thuật thêu tinh tế nhất cho người dân. Nghề thêu trong nước trước đó không phải là không có, nay được bổ sung thêm kỹ nghệ mới lại càng trở nên điêu luyện, đậm đà phong cách riêng.
Ngày nay đồ thêu Việt Nam đã trở thành một trong những mặt hàng thủ công được đông đảo bạn bè quốc tế yêu mến. Thợ thêu giỏi chẳng khác nào một họa sĩ: Thêu chân dung, thêu những bức danh hoạ bằng chỉ màu tự nhuộm, sau đó còn pha màu để đồ (tô thêm vào), bảo đảm các độ đậm nhạt của màu sắc cho hệt như màu trong tranh. Vì vậy, càng nhìn kỹ mặt hàng thêu càng thấy đẹp, càng thấy nghệ thuật tinh vi, tài tình của người thợ.