Fixi.vn – Thợ hồ, thợ xây, thợ nề là những từ đồng nghĩa với nhau. Hiện nay thợ hồ là một trong những nghề mang tính tự do. Rất ít thợ được đào tạo qua trường lớp, phần đông đều tự học qua công việc.
“Ai cũng muốn sản phẩm của mình đẹp nhất, tốt nhất. Dù đã có bản vẽ thiết kế của chủ công trình nhưng trong quá trình thi công, bằng kinh nghiệm, tôi luôn góp ý thay đổi hoặc rút gọn một số chi tiết để công trình hoàn hảo hơn. Ngoài ra, tôi luôn tự nhắc bản thân và anh em trong nhóm chú trọng bảo đảm an toàn khi làm việc. Mỗi ngôi nhà hoàn thành, nhìn thấy nụ cười hài lòng từ gia chủ, tôi lại có động lực cho những công trình tiếp theo”. (Trần Văn Đoàn, thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang).
Thợ xây là những người lao động phổ thông hay lao động tay chân có tay nghề tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình, nhà cửa…. Thợ xây được chia thành các loại hình sau: thợ nề, thợ mộc, thợ lót thảm, thợ trộn hồ, thợ điện, thợ xây hàng rào, thợ sắt, thợ tô, thợ sửa ống nước, thợ hàn, thợ sơn, thợ mài, trang trí nội thất, thiết kế phong cảnh.
Đây được xem là nghề ít vốn (chỉ cần sức lao động và kỹ năng khéo léo, kinh nghiệm) và thường dành cho những người có hoàn cảnh về kinh tế, đặc biệt là nam giới, phái nữ chỉ theo phụ giúp cơm nước hoặc phụ hồ. Đa số những người theo làm nghề thợ xây rất ngẫu nhiên, trong lúc nông nhàn, muốn tranh thủ kiếm tiền theo phụ hồ cho thợ xây nhà. Những người thợ lành nghề, có uy tín được chủ nhà gọi đến bàn giao hợp đồng gọi là thợ cả, thợ cả nhận hợp đồng làm nhà theo giá thỏa thuận (khoảng 10 đến 20 triệu đồng một ngôi nhà cấp bốn) rồi tự gọi thợ làm. Nhiều thợ cả làm có uy tín thì cùng lúc có thể nhận đến 10 hợp đồng. Khoảng hai đến bốn tháng là một ngôi nhà đã xây xong tùy theo số lượng thợ tham gia.
Mục Lục Bài Viết
Nghề thợ xây làm gì
Những người thợ đi lên bằng con đường tự học thường bắt đầu bằng công việc lao động phổ thông. Công việc của người lao động phổ thông bao gồm: xách nước, xách hồ, khuân gạch, đào đất, vác cây, vác tôn… từ những việc nặng nhọc đến những việc linh tinh. Tiền lương thường được lãnh theo ngày.
Khi đã quen với việc lao động phổ thông, họ dần dần biết trộn hồ, phụ quét vôi, phụ đóng trần… Những người thợ chính hoặc cai sẽ kèm cặp và đưa dần họ lên thành thợ phụ. Thời gian từ lao động phổ thông lên thành thợ phụ thường từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu người học việc chăm chỉ, biết nhận xét, hòa đồng với mọi người thì thời gian học việc sẽ nhanh hơn.
Trong công trình có những lúc công việc rất căng và sẽ dẫn đến tình huống thiếu thợ chính. Lúc đó, những người thợ phụ được đào tạo cấp tốc để làm thợ chính, bắt đầu làm từ việc dễ đến khó dần. Giai đoạn này rất quan trọng, ai vượt qua sẽ được công nhận là thợ chính, nếu không vượt qua được thì phải tiếp tục làm thợ phụ. Thợ chính cũng được chia thành nhiều bậc, tùy theo mức lương.
Khi thành thợ chính, người thợ thường phải tự học thêm về cách đọc bản vẽ. Lúc này ai có được trình độ phổ thông cấp 2-3 thì sẽ tiến bộ thấy rõ. Người thợ lúc này rất cần bổ sung kiến thức về đọc dự toán, đọc bản vẽ kiến trúc, đọc bản vẽ kết cấu. Thường có thể học ngay tại công trường do cai hoặc các kỹ sư chỉ lại. Ai có điều kiện thì đến trường học thêm buổi tối về các kiến thức đó.
Công việc của người thợ hồ rất đa dạng, bắt đầu từ hố móng của công trình đến lúc hoàn thiện, bao gồm:
– Đào móng: Công việc đào móng rất đơn giản, đó là công việc lao động phổ thông. Tuy vậy, cần có người thợ chính để lấy độ cao của công trình, xác định độ sâu của móng, xác định vị trí móng, cân móng cho vuông góc, song song. Khi đào móng thì người thợ làm sắt phải bắt đầu. Người thợ chính phải chỉ cho họ cần loại sắt nào để làm sắt vỉ móng, cổ móng, đà kiềng.
– Khi đã hoàn tất móng và đà kiềng, bắt đầu vào sắt cột và đổ cột. Người thợ chính phải làm việc với thợ sắt và thợ cốp-pha để chuẩn bị sắt, khuôn cho việc đổ cột bê tông. Đổ cột xong, có thể xây tường bao ngay. Lúc này cũng là lúc thợ sắt và cốp-pha bận nhất vì phải lo việc đổ sàn.
– Công việc cứ diễn tiến, còn phải lắp đặt cửa, làm cầu thang (đây là một việc khó nhất), chạy các chỉ tường, mũ cột, làm các công trình phụ, tô tường, quét vôi, sơn, lát gạch nền, ốp gạch tường….
Thợ xây làm việc ở đâu?
Thợ xây làm việc tại các công trường xây dựng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn, đông dân, có nhu cầu xây dựng cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương,… Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu lao động nghề xây dựng đến các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… cũng tăng mạnh, đòi hỏi người thợ phải không ngừng nâng cao tay nghề theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Học nghề thợ xây ở đâu?
Bạn có thể học hỏi nghề ngay ở những người thợ cùng làm. Kinh nghiệm của những lớp thợ đi trước bao giờ cũng rất quý báu.
Yếu tố chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn có thể theo học nghề xây dựng tại các cơ sở dạy nghề trong nước như:
Trường Trung Cấp Nghề Bắc Kạn
Trường Cao Đẳng Xây Dựng số 1
Trường Trung Học Xây Dựng Hà Nội
– Chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ, ham học hỏi, trung thực.
– Có tinh thần trách nhiệm.
– Chăm chỉ, có sức khỏe tốt, sự dẻo dai để thích hợp với những chuyến đi xa và công trình lớn.
– Có mắt quan sát.
– Có kiến thức cơ bản về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt toán học và vật lí sẽ là một lợi thế lớn.
– Luôn đo đạc cẩn thận, chính xác trên thực tế, sau đó so sánh với bản thiết kế (nếu có).
– Hiểu rõ về độ lún, độ chịu lực của công trình.
– Có đầu óc quan sát tốt.
– Biết tính toán nguyên vật liệu cần thiết sao cho phù hợp với công trình.
– Đặt yêu tố an toàn lao động lên hàng đầu, trang bị đầy đủ các vật dụng bảo hộ lao động cần thiết khi làm việc.
Vất vả nghề thợ xây…
Tốc độ đô thị diễn ra nhanh chóng, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới, nhà ở dân cư… mọc lên ở nhiều nơi thì công việc của những người thợ xây dựng cũng ngày càng nhiều lên nhưng ai cũng biết thợ xây dựng là một nghề rất vất vả. Một công việc nặng nhọc, ăn uống thì qua loa, chỗ ở cũng tạm bợ, chưa kể đến cuộc sống xa nhà và phải đối mặt với biết bao nguy hiểm rình rập, những rủi ro khó lường.
Mặt mày lấm lem vì bụi đất đá, xi măng và làm việc trong môi trường ồn ào bởi tiếng máy khoan, máy trộn bê tông… là những hình ảnh quen thuộc của các công nhân ở các công trình xây dựng. Cực nhọc vì công việc đã đành, cuộc sống của người thợ xây dựng lại nay đây mai đó, thiếu thốn trăm bề. Chỗ ở chính chỉ là những cái chòi được che chắn tạm bợ, có nơi còn không có nước sạch để tắm rửa, nhà vệ sinh sát bên chỗ ăn ở.
Rủi ro, tai họa rình rập cũng là điều mà những người thợ xây phải đối mặt. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng, những người thợ cho rằng trong quá trình thi công một công trình, thường thì thợ cốp-pha và thợ sơn phải chịu áp lực rủi ro cao nhất vì phải leo trèo, treo mình lơ lửng trên những tòa nhà cao tầng.
Do tính chất công việc cộng thêm hầu hết những người thợ xây dựng cũng là trụ cột chính trong gia đình phải lo toan mọi việc, nên đành chấp nhận bám nghề. Hơn nữa, theo nghề lâu năm, phần nào bản thân họ phải tự rút kinh nghiệm và tính xác suất nguy hiểm ở mức tối thiểu để không chỉ an toàn cho bản thân mình và những các thợ xây khác.
Với nghề xây dựng, ngoài cánh đàn ông quanh năm đời sống “du mục”, chúng ta còn bắt gặp cả bóng dáng các chị em phụ nữ cũng làm thợ. Họ không phải thợ xây mà chỉ là thợ phụ, làm các công việc lặt vặt hoặc chỉ theo lo nấu cơm nước cho công nhân của cả công trình. Đa phần trong số họ đều là vợ của những người thợ chính.
Một chị quê ở tận Bình Định cũng theo chồng đi làm thợ xây. Chị tâm sự: “Mỗi năm vợ chồng tôi về quê được 2 – 3 lần. Sợ con thiếu thốn tình cảm nên hễ đến mấy tháng nghỉ hè là chúng tôi lại dắt con đi theo công trình, sướng khổ có nhau cũng vui”.
Hầu hết các công trình xây dựng đều có khẩu hiệu: “An toàn là bạn, tai nạn là thù” nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn thợ xây ít được đào tạo bài bản, chủ yếu trưởng thành qua thực tế, không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động. Bên cạnh đó người thuê nhân công vi phạm các quy định về an toàn lao động.
Ngoài ra, đại bộ phận công nhân chỉ cần có việc làm, có tiền là đủ, nên họ không quan tâm đến việc đưa ra các điều kiện với chủ sử dụng lao động để bảo vệ mình. Bộ Luật Lao động quy định rất rõ là doanh nghiệp sử dụng lao động có hợp đồng 3 tháng trở lên phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thế nhưng, với thợ xây dựng công trường thì được đóng bảo hiểm vẫn là ước vọng quá xa vời! Vậy nên khi tai nạn xảy ra, người lao động thiệt đủ đường, chẳng được hưởng chế độ gì.
Tuy cuộc mưu sinh của những người làm nghề xây dựng còn lắm nhọc nhằn, vất vả nhưng đa phần cũng đã giúp giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động phổ thông ở ngoại thành. Mặc dù vất vả, tai nạn luôn rình rập nhưng nghề thợ xây đã không phải vì thế mà họ không có niềm tin vào cuộc sống. Tất cả họ đều hy vọng vào một tương lai tươi sáng ở các con. Và có lẽ cũng chính vì vậy, vì miếng cơm manh áo mà nghề nó “bén” chẳng biết từ khi nào.
Sự ra đời ngày giỗ tổ thợ Xây (thợ nề) 20/12
Văn hóa của kiến trúc truyền thống ở Trung Quốc phong phú và đa màu, rộng mở và uy nghi. Trong số những bậc thầy kiến trúc, người nổi tiếng nhất là Lỗ Ban thời Xuân Thu. Nghề thủ công của ông đã lưu truyền hàng nghìn năm, giành được sự kính trọng. Thợ mộc, thợ xây, thợ nề, các nhà chế tạo công nghệ xây dựng và nội thất tất cả đều suy tôn Lỗ Ban như là người sáng lập của nghề này. Theo một sách từ triều nhà Đường tên là “Nghiên cứu của Lỗ Ban”, các công nhân xây dựng đã khấu đầu lạy tạ Lỗ Ban trước khi họ bắt đầu thiết kế xà trên của nhà. Trong đời nhà Tần, bất cứ khi nào khi chính phủ bắt đầu một dự án xây dựng to lớn, họ dâng quà và cúng bái Lỗ Ban, cầu nguyện chư thần sẽ ban phước lành cho dự án của họ. Điều này vẫn còn là một phong tục ở Đài Loan ngày nay.
Lỗ Ban sinh ra ở nước Lỗ. Ông là một kỹ sư xây dựng nổi tiếng và thợ thủ công trong lịch sử Trung Quốc và từng một lần làm quan trong bộ xây dựng.
Các hoàng đế suốt các triều đại văn minh Trung Quốc đã ban tặng nhiều danh hiệu về Lỗ Ban. Ví dụ, trong triều đại Minh, hơn 10 nghìn người đã xây Long Phủ Bắc Kinh, một dự án khổng lồ mà chỉ có thể được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của những chỉ dẫn của Lỗ Ban. Người dân thời kỳ ấy đã xây một đền tưởng nhớ đến Lỗ Ban. Những ghi khắc trên bia trong đền đọc là “Lỗ Ban Quan”. Hoàng đế thời đó đề tặng câu “quý nhân phò quốc.” Người dân dùng Thái Lao để tổ chức kỷ niệm Lỗ Ban 2 lần trong năm. Thái Lao nghĩa là họ sử dụng bò cái, dê, lợn cho buổi lễ. Nó giống như một lễ lớn như được tổ chức cho Khổng Tử. Có 2 mục đích xây dựng đền Lỗ Ban. Một là cảm ơn Lỗ Ban, còn lại là để khi các thợ thủ công khi có vấn đề trong công việc của họ, họ có thể đến đền để nhờ Lỗ Ban cho họ một chỉ dẫn.
Lỗ Ban đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi người, và công cụ của ông vẫn còn được sử dụng ngay cả đến ngày hôm nay. Trong các triều đại sau thời của Lỗ Ban, các thành phố, nhà, cửa chính, cửa sổ tất cả đều “đúng trật tự”. Lỗ Ban giúp chúng ta sống an toàn và thoải mái. Hơn nữa ông dùng môi trường sống này để truyền đạt lại tiêu chuẩn và cách cư xử đến người dân Trung Quốc. Điều này giúp giữ được chuẩn mực đạo đức cho dân tộc Trung Hoa hơn 5 nghìn năm.
Ngày nay, các quan chức Trung Quốc đang theo đuổi những thiết kế nhà cửa kỳ quái và quy hoạch hóa đô thị. Nó phản ảnh sự xáo trộn xã hội của Trung Hoa hiện đại ngày nay. Sự đổi mới không có nghĩa là từ bỏ những nguyên lý của một nghề. Chỉ có sự quay về với những nguyên lý được để lại bởi các chư thần, xã hội chúng ta [mới] có thể sống trong hòa bình, hài hòa và phồn vinh.