Fixi.vn – Bạn yêu sách đến nỗi muốn theo đuổi một công việc có thể nâng niu, gắn bó với sách suốt cuộc đời? Thực sự thì thủ thư chính là một công việc như vậy đấy.
Mục Lục Bài Viết
1. Tổng quan nghề thủ thư
Cũng giống như bao ngành nghề khác trong xã hội, nghề quản lý thư viện là một nghề bình dị, lặng thầm mà thật cao quý. Bởi lẽ thông qua sách sách báo, tài liệu trong các thư viện, với tấm lòng yêu nghề và sự lao động kiên trì, say mê mà những người làm công tác thư viện trong cả nước đã đem tới cho nhân dân tri thức, sự hiểu biết và những món ăn tinh thần bổ ích, hấp dẫn. Hàng vạn “ngôi đền trí thức” từ trung ương đến địa phương đã góp phần to lớn đem ánh sáng văn hóa – tư tưởng của Đảng và Chính phủ tới mọi miền Tổ quốc, truyền bá văn minh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ thư hay người làm thư viện là người quản lí, giữ gìn và phát triển vốn tài liệu để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu của độc giả. Ngoài những chức năng nhiệm vụ chung, tùy theo mục đích, quy mô mà từng thư viện có thêm các chức năng, nhiệm vụ riêng và phục vụ đối tượng người đọc khác nhau.
Mấy chục năm về trước người ta thường trao nhiệm vụ điều khiển thư viện cho một vị học giả, một nhà văn hóa lớn, những người giúp việc ấy phải qua một quá trình học hỏi, phải có lòng tận tụy với khoa học, phải trân trọng nâng niu mọi tác phẩm văn hóa của thế giới và dân tộc, phải có đức tính kiên nhẫn bền bỉ, yêu mến công việc, tha thiết giúp đỡ bạn đọc, say sưa làm người chỉ đường, hướng dẫn cho bất cứ ai có nguyện vọng học tập.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công nghệ thông tin được ứng dụng vào mọi ngành nghề và thư viện cũng không nằm ngoài thực tế đó. Việc chuyển đổi hoạt động thư viện từ thư viện truyền thống thành thư viện hiện đại với tên gọi thư viện điện tử, thư viện số không còn xa lạ với nhiều người, điều này cũng đồng nghĩa với việc cán bộ thư viện sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của một thư viện hiện đại.
2. Nghề thủ thư làm những công việc gì?
Quản lý thư viện là làm một nghề, giữ một cương vị, gánh một trách nhiệm, có một phẩm giá, tích lũy tri thức chuyên môn riêng biệt. Người ta không thể bỗng nhiên trở thành một thủ thư được. Mọi người cứ nghĩ làm thủ thư là đơn giản, chỉ cần lấy sách ra rồi cất sách vào, nhưng đó là một quan niệm rất sai lầm.
Để đáp ứng đúng và đủ thông tin cho người dùng tin, người cán bộ thư viện ngoài việc nắm vững nguồn dữ liệu có trong thư viện cũng cần có trình độ, sự hiểu biết nhất định về các thông tin khoa học, kỹ thuật, xã hội, kinh tế…. đặc biệt là phải cập nhật những thông tin mới nhất để phục vụ nhu cầu người dùng tin một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Người cán bộ thư viện được ví như “chiếc cầu nối” giữa thông tin và người dùng tin. Biết mấy công trình bác học, nếu không có sự tham gia thầm kín của nhân viên thư viện thì hồ dễ đã nên công! Chính nhân viên thư viện là người chuẩn bị cho bạn đọc làm việc có hiệu quả hơn.
Ở Mỹ một người tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sỹ ngành thủ thư không những làm được những công việc trong các trung tâm thông tin thư viện mà còn có thể làm được những công việc sau
- Xuất bản sách: họ sử dụng kiến thức về sách để lựa chọn và hiệu đính những xuất bản phẩm
- Lãnh đạo công nghệ thông tin – CIO : là người quyết định lựa chọn những công nghệ tin học ứng dụng cho một doanh nghiệp và quản lý cách thức chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong doanh nghiệp đó
- Quản lý nội dung thông tin: tìm kiếm và tổ chức thông tin cho cộng đồng mạng online
- Quản trị cơ sở dữ liệu: tổ chức, cập nhật và lưu trữ dữ liệu trên cơ sở kỹ năng lập trình
- Môi giới thông tin: tiến hành công việc nghiên cứu và cung cấp thông tin cho đối tác
- Mua bán các phần mềm thông tin thư viện
- Phụ trách công việc phân loại: phân loại dữ liệu và sắp xếp thông tin vào các mục phù hợp cho các công ty thương mại điện tử
- Quản trị Web: thiết kế, bảo trì và lập trình Web…
Điều này cho thấy, kiến thức và kỹ năng chuyên ngành thông tin thư viện không chỉ được áp dụng cho duy nhất công việc tại các trung tâm thông tin thư viện mà còn mở rộng và rất có ích cho các công việc mà kỷ nguyên số đang đòi hỏi.
3. Nghề thủ thư làm việc ở đâu?
Thông thường, thủ thư làm việc trong một thư viện công cộng hoặc một thư viện trong các trường đại học, trường tiểu học hoặc trường trung học, các thư viện trong doanh nghiệp hoặc công ty, hoặc cơ quan khác như một bệnh viện, công ty luật…. Công việc này có điểm tương đồng với những người làm nghề nhân viên lưu trữ.
4. Học nghề thủ thư ở đâu?
Nếu bạn yêu công việc của một thủ thư bạn có thể học ngành Thư viện tại Khoa Thông tin–Thư viện của các trường sau: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Dân lập Đông Đô…
Tham gia vào ngành thư viện, bạn có thể làm việc tại Cơ quan quản lý Nhà nước về thư viện như Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá – Thông tin), hay trong các hệ thống thư viện khác nhau như: hệ thống thư viện công cộng (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện các tỉnh, thành phố), thư viện các cơ quan đoàn thể, thư viện các trường học, thư viện của các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học, thư viện của các đơn vị vũ trang, các tổ chức chính trị – xã hội v.v…
Ngoài tình yêu đặc biệt dành cho sách, tính cách tỉ mỉ kiên nhẫn, để làm được một người thủ thư tốt cần có một số yêu cầu nhất định dưới đây:
Về kiến thức:
- Có hệ thống kiến thức tổng hợp, kiến thức về quản trị thông tin, phục vụ cho quản lý thông tin, tài liệu.
- Có kiến thức về thông tin, phục vụ cho phân loại đầu mục các nguồn tài liệu, thông tin, tài liệu.
- Luôn nắm được các vấn đề nảy sinh có ảnh hưởng tới thư viện
- Hiểu được chính sách, quy tắc và tiêu chuẩn thư viện
- Kiến thức về tài nguyên và dịch vụ thông tin
- Có hiểu biết chuyên sâu về mục đích của thư viện
- Xác định được các tài liệu phù hợp với yêu cầu của người dùng
- Hiểu được nội dung thông tin và lọc được thông tin
- Tạo cho người dùng tin sử dụng dễ dàng dịch vụ của thư viện
Về khả năng:
- Có khả năng tổ chức, quản lý, sắp xếp công việc. Nhạy bén, sáng tạo trong công việc
- Có khả năng giao tiếp tốt, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn
- Khả năng sắp xếp, lưu trữ, chuyển giao, quản lý khối lượng lớn tài nguyên thông tin
Về kỹ năng:
- Kỹ năng quản lý: có tầm nhìn và khả năng lãng đạo; thúc đẩy làm việc nhóm và phát huy khả năng của mọi thành viên trong nhóm; phát huy sử dụng mọi nguồn lực trong thư viện; thuyết phục được giá trị của dịch vụ thông tin thư viện với người ra quyết định; đảm nhận vai trò thành viên ban quản lý một cách tích cự và hiệu quả; hiểu và sử dụng hiệu quả kỹ năng hoạt động nhóm như: nhận biết được mục tiêu, sứ mệnh và hướng phát triển của thư viện; phát triển và thực hiện các chính sách cả thủ tục để vận hành hiệu quả các chức năng thư viện; liên tục điều chỉnh các chương trình và dịch vụ để phù hợp với sự thay đổi của xã hội…
- Kỹ năng về công nghệ: nắm bắt được những công nghệ tương lai có tác động đến thư viện; sử dụng được những công nghệ mới nhất để quản lý và chuyển giao dịch vụ thông tin; sử dụng công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng như thư mục, cơ sở dữ liệu,…; vận hành sáng tạo và cải tiến môi trường thông tin dựa trên nền tảng web;….
- Kỹ năng tìm kiếm chuyên gia: tinh thông quá trình tìm tin, kỹ thuật tìm, máy tìm và công nghệ tìm tin; có khả năng tìm và đánh giá được những thông tin phù hợp với người dùng; có kiến thức chuyên sâu về tìm kiếm thư mục, cơ sở dữ liệu và tài nguyên web.
- Kỹ năng giao tiếp: trình bày được giá trị dịch vụ của thư viện với người ra quyết định, nhân viên và người dùng tin; giao tiếp rõ ràng và trân trọng khách hàng cũng như đồng nghiệp; lắng nghe khách hàng và đồng nghiệp một cách tích cực; thương thảo với nhà xuất bản, khách hàng và người cung cấp hàng một cách hiệu quả.
- Kỹ năng trình bày: Phát triển kỹ năng tư vấn độc giả để thúc đẩy thói quen đọc sách ở mọi trình độ; tăng cường nhận thức và vai trò của thư viện và nhân viên thư viện trong phát triển kiến thức thông tin; trình bày thông tin một cách dễ tiếp nhận đối với người dùng tin; sử dụng các kỹ thuật khác nhau để truyền tải thông tin tới người dùng bằng nhiều hình thức học khác nhau.
- Bên cạnh đó, nghề thủ thư còn đòi hỏi một số kỹ năng khác như kỹ năng đánh giá, tiếp thị và thúc đẩy dịch vụ; kĩ năng quản lý dự án, quản lý thời gian, quản trị bản quyền số và kỹ năng quản trị tri thức,…
Làm việc trong lĩnh vực giáo dục, họ chưa từng một lần đứng trên bục giảng nhưng là người mang đến cả kho tàng kiến thức cho học sinh. Đó là đội ngũ nhân viên viên thủ thư (nhân viên thư viện) trường học, ngày ngày lặng thầm góp sức cho công tác dạy và học của mỗi ngôi trường.
Suốt 30 năm gắn bó với thư viện Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Đức Trọng từ khi thư viện trường chỉ là một phòng nhỏ với vài chục đầu sách, cô Nguyễn Thị Bốn thuộc làu từng tem sách cho đến vị trí của hơn mấy ngàn đầu sách trong thư viện trường quy mô hiện nay. Cô đến với nghề thủ thư này bằng lòng yêu sách từ nhỏ. Và món quà của người mẹ trẻ ngày ấy dành cho ba đứa con cũng là những cuốn sách với những bài học đầy nhân văn.
30 năm trước, đồng lương giáo viên còn hạn hẹp, lương nhân viên thư viện lại càng ít hơn nhưng với niềm đam mê sách nên cô Bốn vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Là nhân viên thư viện đầu tiên của tỉnh đạt giải nhì trong hội thi cán bộ thư viện giỏi toàn quốc sau khi đạt giải nhất toàn tỉnh, cô Bốn đã đóng góp vào thành tích nhất toàn đoàn của Lâm Đồng khi cuộc thi cấp quốc gia được tổ chức lần đầu vào năm 2001.
Hầu hết những nhân viên thư viện các trường học của huyện Đức Trọng đều xem cô Bốn như một người thầy truyền đạt kiến thức làm công tác thư viện. Cô luôn là người tập hợp, động viên những người làm nghề thủ thư trên địa bàn huyện đăng ký tham gia các hội thi cán bộ, nhân viên thư viện giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tại Đức Trọng, Hội những người làm công tác thư viện được cô và một số đồng nghiệp lập ra để gắn kết những người “giữ sách” có dịp trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau để xây dựng thư viện trường ngày càng phát triển, phục vụ cho công tác dạy và học được thuận lợi. Là người dẫn dắt đoàn Đức Trọng tại hội thi cán bộ, nhân viên thư viện giỏi cấp tỉnh năm 2013, trong 3 thí sinh dự thi thì Đức Trọng có 2 thí sinh đạt giải nhất và nhì. Thành tích này là niềm động viên cũng như món quà lớn mà cô Bốn nhận được trong năm cuối cùng gắn bó với nghề thủ thư trước khi nghỉ hưu.
30 năm gắn bó với nghề thủ thư, cô luôn tâm niệm “Làm cán bộ thư viện phải giới thiệu sách đến bạn đọc với tất cả tấm lòng, phải truyền tải cảm xúc từ những câu chuyện, nhân vật trong cuốn sách thì mới thu hút được bạn đọc; và trên hết là để thế hệ sau yêu công việc thầm lặng này, giúp các bạn trẻ yêu sách và phát triển văn hóa đọc”.
Sự mở rộng của nghề thông tin – thư viện
CNTT đang làm thay đổi nhanh chóng toàn bộ thế giới đồng thời tạo ra nhiều thách thức và cơ hội. Nghề thủ thư là một trong những nghề gặp nhiều thách thức nhất trong xã hội tri thức. Nó kết hợp lĩnh vực quản trị tri thức với những ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Các công nghệ này ngày càng ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thư viện, các tài nguyên thông tin, các dịch vụ thông tin, nhân viên thư viện và người dùng tin. Nghề thủ thư đang phải đương đầu với các thách thức do cuộc cách mạng công nghệ này đem lại để tồn tại và đáp ứng được những nhu cầu tin đa dạng, phức tạp của cộng đồng người dùng tin. Sự thay đổi này là quy luật của tự nhiên. Các trung tâm thông tin thư viện phải thay đổi để phát triển và chính đội ngũ thủ thư càng phải thay đổi để giúp các trung tâm thông tin thư viện thực hiện được sứ mệnh đó.
Những yếu tố tác động đến nghề thông tin – thư viện:
Các thư viện ngày nay đang phải đối mặt với hàng loạt với những thách thức phức tạp xuất phát từ nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội tri thức trong thế kỷ 21. Chúng bao gồm những thách thức chính sau:
- Sự bùng nổ thông tin
- Cách mạng CNTT và truyền thông
- Sự bùng nổ các tài nguyên thông tin trên web
- Ngân sách của thư viện ngày càng eo hẹp
- Giá của tài liệu in ấn ngày càng cao
- Nguồn thông tin số được sử dụng mức độ cao
- Nhu cầu người dùng tin ngày càng cao
- Cuộc cách mạng của các trường học ảo
- Sự thay đổi chất lượng và số lượng của các tài nguyên thông tin
- Xuất bản và truyền thông học thuật theo phương thức mới
- Sự phát triển của các thư viện số, thư viện ảo, thư viện lai
- Nhà sách trực tuyến và dịch vụ thông tin trực tuyến