Fixi.vn – “Có thể có những người tài năng hơn bạn, nhưng bạn không thể biện hộ nếu có ai đó chăm chỉ hơn bạn” – Derek Jeter, vận động viên bóng chày chuyên nghiệp.
Mục Lục Bài Viết
Vận động viên là ai?
Vận động viên là những người được đào tạo để thi đấu các môn thể thao đòi hỏi sức bền, sức khỏe, tốc độ và chiến thuật. Đây là một nghề nghiệp “đặc biệt” trong xã hội, bởi sự đặc thù về công việc và môi trường “lao động”.
Một cá nhân thường mất nhiều năm để luyện tập và tích lũy kinh nghiệm trước khi trở thành một vận động viên thể thao thực thụ. Họ phải dành nhiều giờ mỗi ngày thực hành các kỹ năng làm việc theo nhóm và cải thiện khả năng cá nhân theo hướng dẫn của huấn luyện viên hoặc giảng viên thể thao để đạt được cơ bắp, sức chịu đựng và ngăn ngừa chấn thương. Không chỉ phải nghiên cứu sâu để nâng cao kỹ năng của mình, các vận động viên còn phải tìm hiểu xu hướng, điểm mạnh và điểm yếu của đối phương để dành được lợi thế cạnh tranh.
Đối với nhiều người, thể thao là niềm đam mê. Được trở thành một vận động viên quốc gia, tham gia thi đấu chuyên nghiệp luôn là niềm mơ ước, khao khát, và là cái đích mà họ hướng đến.
Vận động viên làm gì?
Công việc của một vận động viên dường như lặp đi lặp lại ngày qua ngày, đó là luyện tập, kể cả vào cuối tuần và ngày nghỉ lễ. Bên cạnh đó họ cũng phải chú ý thực hiện các công việc sau:
Công việc chi tiết của một vận động viên bao gồm:
- Luôn tập các bài tập khởi động cơ thể trước khi thực hiện các bài tập nặng;
- Thường xuyên luyện tập, rèn luyện thể chất bằng việc chạy bộ hoặc tập các bài tập dụng cụ nhằm tăng sức bền và sự dẻo dai;
- Nắm được chiến thuật và quy tắc trong môn thể thao mà mình tham gia thi đấu;
- Ăn kiêng theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong quá trình luyện tập;
- Xem lại băng ghi hình những buổi tập hoặc trận thi đấu của bản thân và cả đối thủ để rút kinh nghiệm.
Nhiều vận động viên được rèn luyện từ khi còn rất nhỏ tuổi, đặc biệt là với các loại bộ môn thể thao yêu cầu độ dẻo dai như thể dục dụng cụ hay võ thuật. Chế độ luyện tập của những vận động viên nhỏ tuổi cũng vô cùng hà khắc không khác gì các vận động viên lớn tuổi.
Vận động viên làm việc ở đâu?
Các vận động viên sau quá trình huấn luyện sẽ tham gia vào các cuộc thi hay sự kiện thể thao tại các giải không chuyên. Đối với hầu hết các vận động viên tham vọng, việc trở thành vận động viên chuyên nghiệp là sự ghi nhận lớn nhất. Trong một số môn thể thao như bóng chày, vận động viên có thể bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình trên một nhóm giải đấu nhỏ trước khi chuyển đến thi đấu tại các giải đấu lớn. Vận động viên chuyên nghiệp thường thăng tiến trong môn thể thao của họ bằng cách thể hiện hiệu suất cao, chiến thắng và nhận được giải thưởng, và sau đó họ sẽ có thể kiếm được một mức lương cao hơn.
Sau khi giải nghệ, các vận động viên có thể trở thành các huấn luyện viên, giáo viên thể dục, cán bộ tại các Sở, Ban ngành Thể thao.
Làm thế nào để trở thành Vận động viên?
Việc phát hiện, đào tạo các tài năng thể thao thường diễn ra ngay từ khi các vận động viên còn nhỏ. Họ sẽ được đào tạo trong nước dưới sự hỗ trợ của các huấn luyện viên và giảng viên thể thao hoặc được cử đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm.
Các cơ sở đào tạo vận động viên tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Trường THPT năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội
- Tại miền Trung: Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng
- Tại miền Nam: Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM
Tố chất
- Khả năng vận động và sự tập trung: gần như tất cả các vận động viên thể thao phải có khả năng vận động vượt trội để có thể cạnh tranh với các đối thủ. Hơn nữa họ phải rất tập trung khi thi đấu, không bị sao nhãng bởi các yếu tố tác động bên ngoài, như vậy mới giúp họ có được phong độ tốt nhất.
- Năng lực tinh thần: với tần suất luyện tập như nhau, một số người vẫn trở nên nổi bật hơn nhờ vào năng lực tinh thần. Nếu không có được một tinh thần lạc quan, vui vẻ thì thành tích đạt được sẽ khó mà như mong muốn được.
Kỹ năng/Kiến thức
- Kỹ năng ra quyết định: các vận động viên thể thao thường xuyên phải đưa ra những quyết định dứt khoát. Những quyết định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu của họ.
- Phối hợp tay và mắt: đối với nhiều môn thể thao, ví dụ như quần vợt và bóng chày, việc phán đoán và tác động vào một quả bóng chuyển động nhanh phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp tay và mắt của vận động viên.
- Làm việc theo nhóm: đối với các vận động viên thi đấu ở những môn thể thao đồng đội (khúc côn cầu, bóng đá, v.v) thì khả năng làm việc với các đồng đội như một đơn vị có tính gắn kết là điều cần thiết cho sự thành công.
- Hiểu biết về sinh học và khoa học sức khỏe: có kiến thức về lĩnh vực trên giúp vận động viên hiểu cách cơ thể hoạt động và biết cách để giữ cơ thể ở trạng thái tốt nhất.
- Nền tảng giáo dục: sức mạnh thể chất rất quan trọng trong thể thao, nhưng đầu óc mới là yếu tố giúp các vận động viên thuộc top đầu đánh bại những đối thủ khờ khạo hơn. Bên cạnh đó, những vận động viên thông minh cũng biết rằng tuổi thọ sự nghiệp của họ rất ngắn ngủi. Nếu họ không có đủ trình độ học vấn, họ sẽ không biết cách quản lý tài chính của mình một cách khôn ngoan và không thể tiếp tục thành công trong cuộc sống, một khi sự nghiệp thể thao của họ kết thúc. Những người ít học thường trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo hoặc đưa ra những quyết định sai lầm.
Tiền sử bệnh tim, cô gái chân trần vẫn đoạt giải vàng Marathon.
Marathon là cự ly dài nhất, khó khăn nhất trên đường chạy điền kinh. VĐV tham dự nội dung này không chỉ phải sở hữu ý chí, nghị lực tuyệt vời mà còn phải có thể lực rất tốt. Thế nhưng, Phạm Thị Bình lại bị bệnh tim và từng bị bác sĩ yêu cầu dừng thi đấu để không nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2010, cô gái vùng quê nghèo Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn mới gom đủ số tiền 45 triệu đồng để thực hiện ca phẫu thuật và phải nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện thì tài năng của thể thao Việt Nam mới có cơ hội trở lại đường đua.
Vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, Bình trở lại mạnh mẽ trên đường đua. Chỉ 3 tuần sau ca phẫu thuật, Bình giành 2 HC bạc ở Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng. Một năm sau, cô giành tiếp HC đồng SEA Games 2011 với chỉ số thành tích khá tốt là 2 giờ 48 phút 43 giây.
Ở SEA Games lần này, công tác chuẩn bị của Bình cũng gặp nhiều khó khăn vì HLV trực tiếp hướng dẫn cô bị kỷ luật nên cô phải một thân một mình đối phó với các đối thủ. Chứng kiến cảnh cô gái chân trần này thoăn thoắt trên đường chạy dưới cái nắng gắt ở Myanmar, giới truyền thông nước ngoài khá bất ngờ. Camera của ban tổ chức cũng nhiều lần “zoom” vào đôi chân kỳ lạ này để tìm hiểu tại sao nó có thể chống chịu được ma sát và thời tiết nắng nóng trong suốt gần 3 tiếng trên đường đua.
Theo Phạm Thị Bình, đường chạy bê tông khá bằng phẳng, mịn màng ở Myanmar vẫn còn là lý tưởng với đôi chân trần của cô. Đã có giải đấu cô phải vượt qua quãng đường hơn 42 km nhiều sỏi đá và ngược lại, có giải đấu ở Nhật Bản phải chạy trên đường lạnh như băng. Tất nhiên, khi đó thành tích cũng bị ảnh hưởng theo. Vì thế, với gợi ý của lãnh đạo môn điền kinh, đã nhiều lần Bình quyết tâm tập để bỏ thói quen không đi giày nhưng không lần nào thành công.
Việc không đi giày khiến cô chịu nhiều bất lợi hơn đối thủ nên không có nhiều người nghĩ Bình sẽ có cửa giành HC vàng ở nội dung khó khăn này. Thế nhưng, nghị lực vượt khó hiếm thấy cộng thêm đường chạy khá đẹp ở Myanmar đã giúp cô gái Quảng Ngãi đăng quang ngôi vô địch nội dung khó khăn nhất với thành tích 2 giờ 45 phút 34 giây.
Những bài tập khắc nghiệt của vận động viên thể dục dụng cụ nhí.
Để gia đình có cơ hội đổi đời, bước sang trang mới, những cô bé mới lên 7 tuổi đã phải gồng mình chịu đựng những bài luyện tập khắc nghiệt của môn thể dục dụng cụ để đạt được thành công trong tương lai.
Với thân hình bé nhỏ, cô bé Xiuhua đến từ Trung Quốc đang nỗ lực uốn người để tạo nên những bài múa khác nhau. Cô bé đang cố gắng để trở thành ngôi sao sáng giá trong làng thể thao nghệ thuật chuyên nghiệp. Từ nhỏ, cô bé đã được đặt trách nhiệm nặng nề để kiếm được tiền, giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khổ.
Xiuhua đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc là thành viên trẻ nhất của Câu lạc bộ Acrobatics và đã tham gia được 3 năm. Tại những câu lạc bộ này, trẻ em thường thực hành các động tác cũ cho tới khi nhuần nhuyễn, hoàn hảo. Mỗi tháng, độ khó của bài tập sẽ được tăng lên và các em sẽ phải trải qua những bài tập uốn dẻo khó khăn hơn rất nhiều. Sức chịu đựng của cô bé dường như vô cùng mạnh mẽ khi cô bé không hề kêu than đau đớn trong suốt quá trình. Em tin chắc rằng sự khổ luyện hiện tại sẽ giúp em thành công trong tương lai.
Trung Quốc thường được biết đến như cái nôi của thể dục dụng cụ – môn thể thao đã mang lại rất nhiều huy chương vàng cho đoàn thể thao nước này trong các kỳ thế vận hội. Tuy nhiên, để đạt được thành quả này là cả quá trình luyện tập cố gắng của những vận động viên kể từ khi họ còn rất nhỏ.