Fixi- Là một nghề đang có lượng cầu cao, kỹ sư chăn nuôi trở thành một ngành được nhiều bạn trẻ quan tâm thay vì lựa chọn học các ngành Kinh tế hay Điện tử, Kỹ thuật như hiện nay.
Mục Lục Bài Viết
1. Giới thiệu tổng quan
Kỹ sư chăn nuôi là người chuyên sâu về khoa học dinh dưỡng của các loài động vật nông nghiệp và thủy sản. Với kiến thức của mình, họ tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiến hành công tác kỹ thuật chăn nuôi, thiết kế chuồng trại, nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi, vệ sinh thú y cùng các thủ tục lâm sàng nhằm trợ giúp con bệnh. Dưới sự giám sát của bác sỹ thú y, kỹ sư chăn nuôi cũng đảm nhiệm việc trợ giúp vật nuôi trong quá trình hồi phục sức khỏe. Họ là người tiến hành nghiên cứu và tổ hợp khẩu phần cho vật nuôi, sử dụng các dây chuyền hay thiết bị chuyên dùng để phân tích chất lượng nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng trong thức ăn cho vật nuôi.
2. Kỹ sư chăn nuôi làm gì?
Kỹ sư chăn nuôi là người có kiến thức sâu về di truyền giống, lựa chọn giống nhằm tạo ra các giống mới có năng suất cao, khả năng thích nghi cao.
Để tiến hành quản lý sản xuất, họ cũng là những người ứng dụng công nghệ thông tin, máy tính trong quy trình quản lý, kế toán tài chính hay việc hoạch định chiến lược kinh doanh tại các cơ sở chăn nuôi nơi họ làm việc.
Công việc cụ thể của kỹ sư chăn nuôi không chỉ có làm việc với vật nuôi mà còn bao gồm nhiều công việc khác liên quan đến thí nghiệm, phân tích, sử dụng các thiết bị công nghệ như:
- Sử dụng công nghệ, thiết bị để phân tích thành phần dinh dưỡng trong các loại thức ăn cho vật nuôi đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của vật nuôi.
- Trực tiếp tiến hành công tác kỹ thuật chăn nuôi như thiết kế chuồng trại, nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, vệ sinh thú y.
- Sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho vật nuôi.
- Nghiên cứu về di truyền giống, lựa chọn giống tốt.
- Tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm để tạo ra các loại giống mới cho năng suất và khả năng thích nghi cao hơn.
- Phối hợp với bác sĩ thú y trong quá trình thực hiện hồi phục sức khỏe cho vật nuôi.
- Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc thú y.
- Trực tiếp quản lý việc sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như các công việc khác như kế toán, hoạch định chiến lược cho sự phát triển của cơ sở chăn nuôi nơi họ làm việc.
3. Kỹ sư chăn nuôi làm việc ở đâu?
Kỹ sư chăn nuôi có thể làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu tại các trường đại học, học viện hay các viện nghiên cứu. Họ cũng có thể làm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các công ty có liên quan tới chăn nuôi thú y, hay như các trạm khuyến nông hoặc phòng nông nghiệp địa phương.
Ngoài ra kỹ sư chăn nuôi có thể tự mình mở và điều hành trại chăn nuôi, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.
Kỹ sư chăn nuôi làm việc toàn thời gian nghiên cứu trong các viện hoặc các trạm, công ty chăn nuôi.
4. Học nghề kỹ sư chăn nuôi ở đâu?
Đối với kỹ sư chăn nuôi, kinh nghiệm làm việc thực tế là rất quý báu, có thể sẽ được tuyển dụng cùng với việc song song tham gia khóa học chính thức. Kỹ sư chăn nuôi ở nước ta có các bậc học đại học, cao đẳng và trung cấp như Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Tây Nguyên, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Quảng Bình, Đại học Hồng Đức, Cao đẳng cộng đồng Hà Tây, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng chăn nuôi – Đại học Phú Yên, Cao đẳng kinh tế – kỹ thuật Quảng Nam…
Trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây đào tạo ngành Chăn nuôi với các bậc học Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Hệ liên thông từ Trung cấp chuyên nghiệp lên Cao đẳng và Sơ cấp nghề.
Để trở thành một kỹ sư chăn nuôi giỏi, bạn cần rèn luyện cho mình những kỹ năng và tố chất sau để phù hợp với yêu cầu công việc và khối lượng việc lớn mà nghề kỹ sư chăn nuôi đòi hỏi:
- Kiến thức về vật nuôi: Kỹ sư chăn nuôi cần có những kiến thức về vật nuôi như chế độ dinh dưỡng cần thiết, thói quen sinh hoạt hay các kiến thức khác để đảm bảo vật nuôi có thể tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
- Tư duy lập kế hoạch, phân tích và giải quyết vấn đề: Kỹ sư nông nghiệp cần có khả năng phân tích, hoạch định những việc cần làm tới từng chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo hệ thống và quy trình chăn nuôi là hoàn hảo. Kỹ sư chăn nuôi cũng cần kỹ năng giải quyết vấn đề khi có những vấn đề phát sinh trong thực tế.
- Khả năng giao tiếp: Bên cạnh làm việc độc lập, kỹ sư chăn nuôi cần tương tác với nhiều đơn vị, cá nhân khác như bác sỹ thú y, nhân viên hỗ trợ nông nghiệp, nhà sinh học hay nhà điều hành chính sách tại địa phương, vậy nên kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin là rất quan trọng.
- Yêu thích động vật và có khả năng làm việc ngoài trời dưới các điều kiện thời tiết khác nhau cũng là phẩm chất quan trọng đối với kỹ sư chăn nuôi.
Kỹ sư Phạm Văn Long ở Gia Lai đã có sáng kiến: “Cải tiến máy ấp trứng và phương pháp ấp gà con cho phù hợp với giống gà ta ở Tây Nguyên”, giúp các hộ dân tránh được các rủi ro, thiệt hại trong chăn nuôi gà. Giải pháp đã đoạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia lai lần thứ V (2010-2011).
Chứng kiến nhiều hộ gia đình đã sử dụng máy ấp trứng, cũng như ấp gà theo phương pháp thông thường hiệu quả không cao, lại tốn kém, anh đã tìm ra được nguyên nhân: Do điều kiện đặc thù của Tây Nguyên mùa khô ẩm độ quá thấp, mùa mưa lại quá cao, biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch quá lớn (khoảng 150C) nên các máy ấp trứng quy mô trung bình thông thường có nhiều chỉ tiêu nhiệt độ, ẩm độ không thích hợp nhu cầu phát triển của phôi gà dẫn đến tỷ lệ ấp nở thấp.
Kỹ sư Long đã sử dụng máy bơm hồ cá cảnh để tạo mưa nhân tạo, tăng độ ẩm cho máy ấp. Máy bơm được đặt trên chậu nhựa dài 30 cm, rộng 20cm, sâu 10cm. Trên nắp chậu gắn một tấm nhựa có khoan nhiều lỗ như lỗ dần gạo. Nước được bơm lên mặt dần tạo những giọt mưa, nước trong chậu luôn sủi bọt như nước sôi, làm tăng độ bốc hơi. Tủ dạng đứng, kết cấu trên được treo sát phía dưới nóc tủ ấp và cho hoạt động bằng nguồn điện 220V. Nước sạch đươc bổ sung hàng ngày ở mức 2/3 chiều cao của chậu. Từ đó ẩm độ máy ấp trong các mùa đều đảm bảo.
Không dừng ở đó, anh Long đã công phu dùng đồng hồ đo trực tiếp gà mái ấp để xác định nhiệt độ, ẩm độ gọi là “chuẩn gà mẹ”. Anh để nhiệt độ phía trên, phía dưới cao hơn nhiệt độ gà mẹ ấp 0,3 độ, ở giữa bằng nhiệt độ gà mẹ ấp, rồi hiệu chỉnh các đồng hồ khác theo đồng hồ chuẩn, từ đó xác định nhiệt độ ấp phù hợp qua nhiệt kế rượu màu có tính ổn định cao.
Sáng kiến trên đã làm tăng tỷ lệ trứng nở cao hơn 10% so với máy thông thường, lãi ước tính 1,4 triệu/mẻ ấp.
Cùng với máy ấp trứng cải tiến, anh Long đã nghiên cứu phương pháp ấp gà muộn bằng đèn tiết kiệm điện và cung cấp nhiệt sử dụng lò đốt mùn cưa có hệ chậun ống dẫn hơi toả nhiệt. Phương pháp ấp gà muộn đã làm tăng tỷ lệ gà sống lên 20% so với ấp sớm.
Chăn nuôi là một ngành quan trọng của nông nghiệp hiện đại, nuôi lớn vật nuôi để sản xuất những sản phẩm như: thực phẩm, lông, và sức lao động. Sản phẩm từ chăn nuôi nhằm cung cấp lợi nhuận và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người. Chăn nuôi xuất hiện lâu đời trong nhiều nền văn hóa kể từ khi loài người chuyển đổi từ lối sống săn bắn hái lượm sang định canh định cư.
Việc chăn nuôi các loài vật bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi lối sống của loài người sang định canh định cư chứ không còn sinh sống kiểu săn bắt hái lượm. Con người đã biết thuần hóa động vật và kiểm soát các điều kiện sống của vật nuôi. Dần theo thời gian, các hành vi tập thể, vòng đời, và sinh lý của vật nuôi đã thay đổi hoàn toàn. Nhiều động vật trong trang trại hiện đại không còn thích hợp với cuộc sống nơi hoang dã nữa.
Chó đã được thuần hóa ở Đông Á khoảng 15.000 năm trước đây, dê và cừu đã được thuần hóa khoảng 8000 trước Công nguyên ở châu Á. Lợn được thuần từ 7000 trước Công nguyên ở Trung Đông và Trung Quốc. Bằng chứng sớm nhất của ngựa thuần là khoảng năm 4000 TCN.